Về cơ bản, các ĐB cho rằng dự thảo luật đã đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu, khắc phục những khiếm khuyết của Luật Đầu tư hiện hành và đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do đầu tư theo Hiến pháp
Đề nghị bỏ thủ tục đăng ký đầu tư
Tuy nhiên, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng dự thảo còn một số điểm chưa thực sự phù hợp và có nguy cơ gây cản trở đáng kể cho quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư. ĐB phân tích, khái niệm kinh doanh và đầu tư theo dự án luật về bản chất là một. Theo Luật DN, các chủ thể để được kinh doanh đã phải làm các thủ tục đăng ký kinh doanh. Như vậy, sẽ rất khó thuyết phục nếu yêu cầu các chủ thể này sau khi đã hoàn thành các thủ tục đăng ký kinh doanh lại phải đăng ký đầu tư một lần nữa để triển khai các dự án.
Vì vậy, nếu quy định các nhà đầu tư này phải làm thủ tục đăng ký thì sẽ tạo ra “thủ tục kép” trong thể chế để cùng quản lý một việc. Với các dự án do nhà đầu tư đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, về hình thức là nhóm không bắt buộc do nhà đầu tư tự nguyện vì vậy không ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư, nhưng thực tế lại dễ dẫn đến tình trạng có những việc không cần giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng một số cơ quan nhà nước “đòi” nên nhà đầu tư “xin”. Điều này cũng có thể dẫn đến khó khăn cho các nhà đầu tư.
ĐB Vũ Tiến Lộc nêu rõ, ban soạn thảo cần nghiên cứu bỏ thủ tục đăng ký đầu tư và giấy đăng ký đầu tư, trừ các dự án sử dụng nguồn lực của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đáng kể đến nguồn lực không sẵn có hoặc khan hiếm, bởi đây là nhóm cần được kiểm soát chặt chẽ bằng thủ tục đăng ký đầu tư nhưng dự án luật lại chưa đề cập đến. Các chủ thể có quyền tự do đầu tư nhưng đầu tư kinh doanh làm ảnh hưởng đến nguồn lực của nhà nước thì nhà nước phải quản lý chặt chẽ để không sử dụng lãng phí, làm xâm hại đến lợi ích công cộng trong quá trình sử dụng nguồn lực này, ĐB nhấn mạnh.
Cũng đề cập đến những sự trùng lắp giữa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, không nên dựa trên Luật Đầu tư hiện hành rồi cải tiến lên, mà phải dựa trên tư tưởng sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, bởi lý do như ĐB Vũ Tiến Lộc đã nêu.
Về quản lý đầu tư nước ngoài, ĐB Trần Du Lịch cho rằng nên chú trọng quản lý dòng vốn vào ra chứ không nên chú trọng đối tượng đầu tư là ai. ĐB nêu thực tế hiện rất nhiều vốn FDI, nhưng nhà đầu tư không phải lấy tiền từ nước ngoài đi vào, nhất là bất động sản, mà “lấy ‘mỡ nó rán nó', chính là nguồn lực trong nước, nếu ta không quản dòng mà đi quản ‘ông chủ’ là không đúng”.
Tránh lợi ích nhóm trong quy định lĩnh vực cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện
Về phạm vi điều chỉnh của luật, ĐB Phương Hữu Việt (Bình Dương), ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) cho rằng, luật đã được quy định rõ hơn theo hướng xác định cụ thể quan hệ giữa Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật các tổ chức tín dụng với Luật Đầu tư. Tuy nhiên để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện quy định này trên cơ sở rà soát, đánh giá mức tương thích của Luật đầu tư với các luật chuyên ngành khác có quy định về hoạt động đầu tư.
Đối với các lĩnh vực cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện, ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) đề nghị quy định rõ trong luật và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thỏa thuận trên cơ sở Chính phủ ban hành. Như vậy, sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, không vì lợi ích nhóm của các bộ ngành cũng như lợi ích của địa phương. Đồng thời quy định cụ thể hơn về các điều kiện được ưu đãi đầu tư để tránh cơ chế xin – cho.
Cùng quan điểm này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị các bộ, ngành, UBND gửi danh mục các lĩnh vực cấm về Quốc hội và ban soạn thảo để các ĐB xem xét góp ý. Khi đã đưa vào luật, các bộ, ngành, UBND sẽ không được quy định thêm trong điều khoản này. Đồng thời, ĐB cũng đề xuất bổ sung quy định cấm các UBND, bộ, ngành đưa thêm các ưu đãi để thu hút đầu tư tại địa phương của mình, như vậy sẽ không tạo được một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các địa phương.
ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) và ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị xem lại, bãi bỏ quy định không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện đặt trụ sở chính tại một địa điểm cụ thể, trong khi Luật DN yêu cầu DN phải có trụ sở chính khi đăng ký thành lập, như vậy sẽ khó khăn trong quản lý. Các ĐB cho rằng gỡ bỏ rào cản là cần thiết nhưng cần đảm bảo sự quản lý nhà nước với DN.
Nêu ra số liệu “nếu rút ngắn được 29 ngày làm thủ tục thông quan XNK hàng hóa cho DN thì GDP nước ta có thể tăng 27,3 tỷ USD”, ĐB Nguyệt Hường đề nghị Ban soạn thảo thiết kế một quy trình đầu tư thống nhất, có xét đến lĩnh vực hoạt động của nhà đầu tư quy định một cơ chế hậu kiểm, cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng trong việc xác nhận ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư, để việc cải cách thủ tục hành chính mang giá trị thực tiễn hơn./.