Sau một nghìn ngày có lẻ (từ tháng 7/2011 đến tháng 7/2014), công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 đã được hoàn thành. Đây là nén tâm nhang thành kính của hơn 8 vạn cán bộ, công chức ngành tài chính muốn dâng lên trước anh linh của những người con đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho cả dân tộc Việt Nam - một nghĩa cử cao đẹp vừa để yên lòng người ra đi, ấm lòng người ở lại; vừa là tri ân hôm nay để cho mai sau…
17h ngày 12/7/2014, bắt đầu Lễ khánh thành Công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Vậy mà, khắp các tỉnh thành trong cả nước, xe của đoàn đại biểu toàn ngành tài chính đã khởi hành trước đó từ hai, ba ngày để cùng đến điểm hẹn được mọi người mong đợi. Hòa chung niềm mong chờ ấy, đoàn đại biểu ngành tài chính tại Hà Nội nói chung và đoàn đại biểu của Thời báo Tài chính Việt Nam nói riêng cũng lên đường về Quảng Trị.
Suốt dọc chặng đường, những câu chuyện về điểm đến - Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 đã được truyền đi làm không gian như lắng lại. Câu chuyện bắt đầu từ ký ức vừa hào hùng vừa đau thương của những cán bộ trong ngành vốn kinh qua đạn bom, khói lửa chiến tranh và nay trở về tiếp tục góp sức dựng xây đất nước. Đấy là câu chuyện về những trận đánh ác liệt với tinh thần người chiến sĩ quyết tử để Tổ quốc quyết sinh! Là câu chuyện về tình đồng đội… “một điếu thuốc cũng chia đôi”.
Khi ký ức được nhắc nhớ, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng đã chia sẻ: “Là những người lính may mắn được trở về sau chiến tranh, chúng tôi càng thấm thía hơn bao giờ hết những giá trị lớn lao của cuộc sống hòa bình và những nỗi đau do chiến tranh để lại. Với chúng tôi, công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 được khánh thành hôm nay là công trình thiêng liêng, có tầm vóc lịch sử. Đây là một cách thể hiện tình cảm sâu nặng của toàn thể cán bộ ngành Tài chính đối với các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9”.
Niềm hồi hộp đón chờ được tận mắt thấy Nghĩa trang Đường 9 cứ nhân lên theo cấp số nhân trong lòng người mỗi khi qua từng cung đường từ Nghệ An sang Hà Tĩnh rồi đến Quảng Bình và cuối cùng là Quảng Trị. Để rồi, khi đặt chân đến nơi đây, hàng ngàn ngôi mộ giữa bạt ngàn rừng thông, nắng và gió miền trung ai cũng lặng đi trong cảm xúc. Dù là dịp hội ngộ toàn ngành Tài chính trong cả nước, nhưng giữa chốn linh thiêng này bạn bè chưa thể hẹn gặp. Tất cả hòa vào dòng chảy của hiện tại và quá khứ. Những đôi mắt ướt nhòa… Những lời thầm thì thoảng trong gió: Chúng tôi đã về bên các anh!
Chiều Đông Hà, khói hương như quyện chặt và vấn vít giữa không trung trong lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn Quảng Trị. Và, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 - nơi đây, hơn mười nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ giấc nghìn thu - mới được nâng cấp, xây dựng từ sự đóng góp của 8 vạn cán bộ công nhân viên chức toàn ngành Tài chính và một số các tổ chức, cá nhân. Cổng vào, tượng đài chiến thắng, khu hành lễ, các mộ phần, khuôn viên… mang dáng vẻ mới của sự khang trang và tôn nghiêm của một công trình văn hóa tâm linh tầm cỡ quốc gia.
Nhớ những ngày đầu phát động phong trào quyên góp để nâng cấp, xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa trang đường 9 trên toàn ngành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp chia sẻ: “Một viên gạch thì khó làm được gì! Nhưng nhiều viên gạch sẽ xây dựng lên được công trình có ý nghĩa để đời”.
Và thế là, giữa bao khó khăn của cuộc sống, sức mạnh bền sâu trong đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam đã tỏa sáng ở ngay mỗi cán bộ tài chính khi tự tay đóng góp bằng chính những ngày công lao động của mình trong suốt ba năm qua. Không những thế, phong trào này còn lan tỏa đến nhiều đơn vị khác trong toàn xã hội để đến hôm nay dự án đã được hoàn thành với nguồn vốn lên đến hơn 71 tỷ đồng.
Trong sâu thẳm nghĩ suy của những cán bộ ngành Tài chính đây chỉ là chút thành tâm của người ở lại, của thế hệ sau tri ân với người đã khuất vì nền độc lập, tự do của dân tộc; chút gửi gắm với người đời khi góp phần dựng xây nơi đi - về với một địa danh lịch sử dân tộc.
NHỮNG BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
|