Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cuối tháng 4/2014, phát hiện máy bay TK 068 của Hãng hàng không Turkish Airline (Thái Lan) đang bốc dỡ hàng có dấu hiệu nghi vấn từ một lô hàng nên Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến hành kiểm tra trọng điểm.
Kết quả, phát hiện lô hàng gồm 5 kiện, với 60 thùng carton chứa tổng cộng 144.000 viên đạn mã tử (Loại đạn nổ- Cartridge blanks plastic).
Lô hàng này có trọng lượng 1.054 kg, với hành trình của lô hàng đi từ Istanbul - Bangkok- TP. Hồ Chí Minh.
Kiện hàng trên được dỡ từ tàu bay số hiệu TK068 là một phần của lô hàng thuộc vận đơn số 235 LJU 43062902 do Hãng hàng không Turkish Airline chuyên chở. Tuy nhiên, trong bản lược khai hàng hóa của chuyến bay không có thông tin về vận đơn này.
Kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, lô hàng trên thuộc mặt hàng đạn dùng cho vũ khí thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP.
Sau khi vụ việc được phát hiện, Hãng hàng không Turkish Airline đã có văn bản gửi cơ quan Hải quan xin tái xuất lô hàng trên với lý do gửi nhầm hàng.
Không đồng ý với nội dung xin tái xuất lô hàng trên, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với Hãng hàng không Turkish Airline về hành vi đưa vào Việt Nam mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, trị giá hàng vi phạm trên 922 triệu đồng.
Theo Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đây là các mặt hàng vi phạm nghiêm trọng đến đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Chi cục đã chuyển hồ sơ cho Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chuyển cho Công an TP.Hồ Chí Minh điều tra để xử lý hình sự theo thẩm quyền.
Đây không phải lần đầu xảy ra hiện tượng “gửi nhầm” vũ khí về Việt Nam.
Ngay sau thời điểm phát hiện vụ “gửi nhầm” đạn mã tử, ngày 13/5 Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh kiểm tra lô hàng từ Trung Quốc gửi cho người nhận là Nguyễn Văn Trung, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh, cũng phát hiện có 11 bộ thiết bị điện tử là máy phá sóng điện thoại và 3 thanh kiếm bằng kim loại dài 1,1m.
Qua xác minh, 11 bộ thiết bị điện tử máy phá sóng điện thoại nêu trên là loại máy phá sóng đời mới, gồm 1 máy chủ và 10 máy phụ cầm tay hiệu Hole site to thetripot.
Các loại hàng hóa này đều thuộc loại mặt hàng cấm nhập khẩu thuộc Danh mục vũ khí ban hành theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12.
Đặc biệt, những thiết bị phá sóng trên là thiết bị gây nhiễu cấm nhập khẩu theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 2/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ có các lực lượng Công an, Quân đội được cấp phép mới được nhập khẩu và sử dụng./.