Ông Hồng Lỗi, dẫn thông tin từ doanh nghiệp hữu quan, nói: “Giàn khoan Hải Dương-981 tác nghiệp tại vùng biển gần đảo Trung Kiên (Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) từ ngày 2/5, đến ngày 15/7 đã hoàn thành thuận lợi đúng thời hạn. Doanh nghiệp hữu quan sẽ nghiên cứu đề ra phương án công tác tiếp theo trên cơ sở phân tích và đánh giá những dữ liệu địa chất có được”.
Trước đó, Tân hoa xã cho biết, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thông báo rằng, giàn khoan Hải Dương-981 đã hoàn tất hoạt động khoan thăm dò ngoài khơi ở khu vực gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và rút về Lăng Thủy, Hải Nam, Trung Quốc.
Giàn khoan do Công ty Dịch vụ Dầu khí Trung Quốc cung cấp sẽ được tái bố trí để hoạt động tại đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Tuyên bố rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của CNPC được đưa ra trong bối cảnh bão Rammasun đang hướng vào Biển Đông và được dự báo là một cơn bão rất mạnh.
Vào lúc 21h10’ ngày 15/7, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã phát hiện sự di chuyển của giàn khoan Hải Dương 981.
Khi di chuyển, giàn khoan Hải Dương 981 luôn đi ổn định theo hướng Bắc Tây Bắc với vận tốc 4,3 hải lý/h.
Theo quan sát của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, khi di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 luôn được một số lượng lớn tàu bảo vệ chặt chẽ, trong đó có cả tàu khu trục lớp Lữ Dương 1 mang số hiệu 169.
Trước đó, chiều 15/7, Cục KN (Bộ NN - PTNT) cho biết trong ngày nhiều tàu cá của Trung Quốc ở vùng biển có giàn khoan Hải Dương-981đã di chuyển hướng về phía đảo Hải Nam. Trung Quốc còn duy trì khoảng 70 - 75 tàu bảo vệ giàn khoan, trong đó có 5 tàu quân sự, 16 - 18 tàu kéo, 17 - 18 tàu vận tải, 32 - 34 tàu hải cảnh.
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận quốc tế trong suốt thời gian qua./.