Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội là dự án lớn, kéo dài trên địa bàn 8 quận, huyện và trên 60 phường, xã của Hà Nội, với tổng diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án khoảng 311,19ha. Trong đó, phần GPMB do các quận, huyện làm chủ đầu tư thực hiện khoảng 48 ha và phần khối lượng GPMB do BQL dự án thoát nước thực hiện 263,19 ha. Theo Hiệp định vay vốn giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ, công tác GPMB dự án II phải hoàn thành trong năm 2014 nên thời gian thực hiện phần GPMB còn lại rất ít.
Theo BQL Dự án thoát nước, đến nay, các quận, huyện đã GPMB khoảng trên 38/48 ha, đạt trên 80% nhưng mặt bằng đã hoặc đang chuẩn bị bàn giao không liền tuyến nên việc triển khai thi công và quản lý chống tái lấn chiếm gặp nhiều khó khăn. Hiện, các quận, huyện đang tiếp tục triển khai 550 phương án còn lại (trong đó, có 45 phương án đất nông nghiệp và 505 phương án đất có công trình nhà ở). Khối lượng thực hiện trong tháng 6 là 92 phương án (quận Hoàng Mai: 12 phương án; quận Tây Hồ: 80 phương án). Riêng quận Tây Hồ và quận Cầu Giấy hiện không còn vướng mắc, cam kết trong tháng 7 (Tây Hồ), tháng 9 (Cầu Giấy) sẽ hoàn thành GPMB.
Đối với phần GPMB do BQL dự án thoát nước thực hiện, hiện đã hoàn thành GPMB và bàn giao cho đơn vị thi công 241ha, đạt trên 91,5% với 4.248/5.459 phương án đã hoàn thành. Còn tồn tại 1.211 phương án, trong đó, có 554 phương án đất nông nghiệp và 657 phương án đất công trình nhà ở.
 |
Quang cảnh phố Hàng Bài đoạn qua Tràng Tiền Plaza sáng nay (17/7). Ảnh: Facebook
|
Về tiến độ triển khai thi công các gói thầu, đến nay, đã hoàn thành thi công (5/13 gói): Xây dựng trạm bơm Yên Sở và bãi đổ (phần nhà trạm bơm); Thiết bị trạm bơm Yên Sở và phụ tùng thay thế; Cải tạo hồ (Hố Mẻ, Hào Nam, Đống Đa, Bảy Mẫu); Mua sắm thiết bị vận hành, bảo dưỡng và phụ tùng thay thế; Cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch, đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến đường 70B và di chuyển hạ ngầm các công trình điện, nước, thông tin (dài 12,5km).
Các gói thầu đang triển khai thi công (8/13 gói): Cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Quốc Việt, Lừ, Sét; Cải tạo kênh mương thoát nước thuộc lưu vực sông Kim Ngưu; Thay thế cầu qua sông Tô Lịch, Lừ, Sét và đường công vụ; Cải tạo hồ (Phương Liệt, Tân Mai, Khương Trung 1 và 2…);…
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các quận: Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì đã báo cáo, giải trình những vướng mắc trong công tác GPMB, trong đó chủ yếu là những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách. BQL dự án thoát nước kiến nghị UBND Thành phố ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án để phục vụ chi phí GPMB; bố trí đủ quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân.
Hội nghị cũng đề nghị Ban chỉ đạo GPMB xem xét, giải quyết bất cập với một số phương án còn lại về hệ số K giá đất; xem xét đền bù đất nông nghiệp không được hỗ trợ 30% giá đất vị trí 3;…
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, so với cuộc họp giao ban kỳ trước, công tác GPMB trên địa bàn các quận, huyện đã có chuyển biến, nhưng hiện còn vướng mắc một số chính sách đơn giá, Luật đất đai,...
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch đề nghị các quận, huyện làm văn bản gửi Ban chỉ đạo GPMB Thành phố để được hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn. Sở Xây dựng có trách nhiệm bố trí quỹ nhà tái định cư để phục vụ công tác GPMB, cố gắng trên địa bàn nào thì bố trí tái định cư trên địa bàn đó, tránh đi xa bất hợp lý.
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu các nhà thầu với trách nhiệm của mình cần tăng cường kiểm tra, xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn thi công; tập trung nguồn lực, nhân công, phương tiện, máy móc thi công ngay khi có mặt bằng; có phương án dẫn dòng thoát nước, không được để xảy ra úng ngập. Sở Xây dựng, Công ty thoát nước đảm bảo thoát nước để đảm bảo thi công. Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị trong việc giải đáp các chính sách đất đai liên quan đến công tác GPMB dự án.
TBTCO - Trong khi tiến độ Dự án thoát nước II đang được đẩy mạnh và đã có tiến tiến triển tốt, thì sáng nay, sau cơn mưa lớn do ảnh hưởng của Bão số 2, nhiều tuyến đường Hà Nội đã "trở thành sông", vì nước thoát không kịp. Trong đó, vùng có mức ngập lớn nhất là các tuyến đường khu vực Quận Cầu Giấy,... |