Chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở
Theo đó, Thông tư quy định rõ việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở để tái định cư trong trường hợp thửa đất có nhà ở bị thu hồi còn diện tích đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở chỉ được thực hiện khi phần diện tích còn lại của thửa đất thu hồi đủ điều kiện được tách thửa theo quy định của UBND cấp tỉnh nơi có đất thu hồi.
Trường hợp trong thửa đất ở thu hồi còn diện tích đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở thì hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi được chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất đó sang đất ở trong hạn mức giao đất ở tại địa phương.
Tuy nhiên, hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Riêng trường hợp phần diện tích còn lại của thửa đất có nhà ở bị thu hồi không đủ điều kiện được tách thửa theo quy định của UBND cấp tỉnh, nơi có đất thu hồi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi hoặc người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất còn lại theo quy hoạch.
Theo đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần diện tích đất còn lại trong thửa đất có nhà ở không đủ điều kiện được phép tách thửa khi Nhà nước thu hồi đất phải được thể hiện trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Việc xác định diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để tính hỗ trợ ổn định đời sống phải dựa trên từng quyết định thu hồi đất, không được cộng dồn diện tích đất bị thu hồi của các quyết định thu hồi trước đó.
Bồi thường hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức
Thông tư nêu rõ, quy định, cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghi hưu, nghĩ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) không thuộc đối tượng quy định tại tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất nhưng không được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, không được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiểm việc làm.
Đối với hộ gia đình vừa có nhân khẩu là cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) vừa có nhân khấu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình đó thì nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương quy định mức hỗ trợ cho phù hợp.
Bồi thường đối với các công trình của tổ chức
Đối với các công trình gắn liền với đất do tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo đang quản lý sử dụng khi Nhà nước thu hồi đất, UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất tại nơi có đất thu hồi có trách nhiệm thông báo, thời gian, tiến độ thu hồi đất cho tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo đang quản lý sử dụng công trình biết để di chuyển tới điểm khác, thời điểm thông báo di chuyển công trình đồng thời với thời điểm thu hồi đất.
Đối với các trường hợp tổ chức bị thu hồi nhưng không được bồi thường về đất, Thông tư nêu rõ: khi nhà nước thu hồi đất của tổ chức mà bị thiệt hại về tài sản do Nhà nước giao quản lý sử dụng; phải di dời đến cơ sở mới thì được sử dụng tiền bồi thường tài sản để đầu tư tại cơ sở mới theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất trả tiền thuê đất đã nộp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm khi nhà nước thu hồi không được bồi thường về đất.
Đối với dự án đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng đến ngày 1/7/2014 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với toàn bộ dự án chưa được phê duyệt thì Bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm rà soát phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Việc thẩm định các phương án thu hồi, hỗ trợ tái định cư sẽ do Sở Tài Nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình UBND cùng cấp phê duyệt.