Có thể nói, dường như chưa bao giờ ngành Tài chính nhận được nhiều sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, cũng như sự quan tâm dõi theo từ phía các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, người dân… như hiện nay.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã xuống chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan, lắng nghe lãnh đạo các ngành trình bày nội dung cải cách và giải pháp thực hiện. Thậm chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đề ra các mốc thời gian cụ thể, yêu cầu ngành Thuế, Hải quan phấn đấu đạt cho bằng được.
Đánh giá về tiến trình cải cách hành chính, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mới đây nhận định: “Lần này chúng ta đã làm rất thiết thực, cụ thể và căn cứ vào chuẩn của thế giới để phấn đấu… Cương quyết, có căn cứ, chứ không duy ý chí. Chúng ta có thể làm được bởi biết vướng chỗ nào, gỡ chỗ nào. Bộ Tài chính có lẽ đi tiên phong trong cách làm này”.
Quyết tâm cải cách hành chính của ngành Tài chính cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều chuyên gia kinh tế. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, điều dư luận lo ngại, quan tâm nhất là khâu thực thi. Bà Lan nhận định: “Rất cần phải tiếp tục làm chuyển biến cả con người trong bộ máy hành chính. Nói cho cùng, nếu các công chức không thực sự chuyển biến, vẫn chỉ mong qua những cơ hội làm việc với doanh nghiệp để trục lợi cá nhân thì dù chính sách mới có hay đến mấy cũng không đem lại tác động tích cực”.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc lại nhìn nhận tiến trình cải cách này theo hướng khác: "Bộ Tài chính đã quy định rõ ràng tại Thông tư 119, rằng cán bộ thuế không được yêu cầu thêm bất cứ hóa đơn, chứng từ gì khác. Ðiều này sẽ khiến cho quan hệ giữa người nộp thuế và cán bộ công vụ minh bạch, thân thiện hơn"…
Về những lo ngại mà dân gian hay ví là “trên bảo, dưới không nghe”, hoặc “đầu voi, đuôi chuột”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam khẳng định, tuyệt đối không để “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến công sức của cả một ngành bị ảnh hưởng bởi những cá nhân thiếu phẩm chất đạo đức, cửa quyền, sách nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Ông cũng tiết lộ, ngành đang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng tiêu chí để người nộp thuế chấm điểm cán bộ thuế, cơ quan thuế. Từ đó sẽ nhận biết được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về ngành đến đâu. Đây cũng chính là thước đo về chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong toàn ngành Thuế.
Ngành Tài chính biết mình đang “ngồi ghế nóng”, đang “giải bài toán khó” trong một khoảng thời gian ngặt nghèo, và là tâm điểm của nhiều con mắt dõi theo. Ngành Tài chính chấp nhận thử thách này, hơn nữa, xem đây là cơ hội để đánh giá lại chính mình, để hoàn thiện chính mình. Công cuộc cải cách hành chính đang tiến hành có thành công mỹ mãn hay không, rất cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… và mỗi cá nhân trong và ngoài ngành Tài chính./.