Theo Bộ Giao thông vận tải, Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên nhằm phục vụ việc đi lại của nhân dân các vùng núi, đồng bào dân tộc với phương châm bốn nhất: an toàn nhất, nhanh nhất, nhiều nhất, hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án cầu treo dân sinh đã gặp không ít khó khăn từ nguồn vốn, việc khảo sát thiết kế và triển khai thi công phải thực hiện trên địa bàn rất rộng, phân tán, chủ yếu là địa bàn miền núi xa xôi, vướng mắc trong công tác GPMB, các vị trí xây dựng cầu có nhiều thay đổi ...
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo quyết liệt nhằm hoàn thành xây dựng 186 cầu treo trong thời gian 9 tháng kể từ ngày các thủ tục triển khai đề án được hoàn tất.
Để phục vụ công tác này, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các Thông tư hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh, đồng thời cho lập và công bố thiết kế mẫu cầu treo để áp dụng cho thiết kế và thi công đại trà.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đã phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật 83/186 cầu với giá trị khoảng 403 tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ để xin bố trí nguồn vốn và đang được Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đồng thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cấp vốn cho dự án.
Hiện nay khi Đề án còn chưa được bố trí vốn, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công đang tự sử dụng nguồn vốn của mình để thực hiện Đề án.
Tính đến nay các đơn vị đang triển khai thi công 12 cầu, trong đó có 8 cầu được hoàn thành trong tháng 10/2014 là: Cầu Bản Côm thuộc tỉnh Yên Bái, cầu Nam Công thuộc tỉnh Hà Nam, cầu Bản Diềm thuộc tỉnh Nghệ An, cầu Sam Lang thuộc tỉnh Điện Biên; cầu Chợ Mới, cầu Bản Giềng, cầu Pjao, cầu Nà Đán thuộc tỉnh Bắc Kạn và tiếp tục triển khai các cầu tiếp theo trên địa bàn 28 tỉnh./.