Nhà nổi Hồ Tây gây ô nhiễm nghiêm trọng
Việc khai thác hồ Tây được thành phố quy định rất chặt chẽ, các hoạt động dịch vụ ở đây phải đảm bảo vệ sinh, không được gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng mất an toàn và ô nhiễm môi trường nước quanh các thuyền, nhà nổi hoạt động kinh doanh trên Hồ Tây đang khiến dự luận rất bức xúc.
Hiện nước Hồ Tây tại khu vực phố Thụy Khuê đã chuyển màu đen, rác thải đọng lại dưới gầm của các du thuyền, nhà nổi đang neo đậu. Nguyên nhân là do các du thuyền, nhà nổi hoạt động tại đây đã thải dầu mỡ ra mặt hồ; du thuyền, nhà nổi kinh doanh ăn uống nhưng không có hệ thống xử lý nước thải, rác mà xả trực tiếp xuống hồ gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Liên quan đến tình trạng hàng loạt du thuyền, nhà nổi gây ô nhiễm môi trường đang “bức tử” Hồ Tây, tại cuộc họp báo thường kỳ của Thành ủy Hà Nội chiều ngày 14/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của UBND Quận Tây Hồ trong việc để tình trạng ô nhiễm tại đây, Phó Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết, hoạt động của các tàu thuyền trên Hồ Tây đã có từ rất lâu và tình trạng ô nhiễm tại đây đã được cơ quan quản lý và quận xử lý, tuy nhiên chưa triệt để.
 |
Ông Đỗ Anh Tuấn trả lời các câu hỏi của các phóng viên.
|
Thời gian qua, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường (C49) cũng đã tiến hành kiểm tra và đưa ra kết luận về việc một số tàu thuyền hoạt động trên hồ gây ảnh hưởng đến môi trường. Về phía UBND quận, tổ công tác của quận cũng đã kiểm tra, xử lý. Hiện trên Hồ Tây (khu vực số 4 Thụy Khuê) có 9 tàu, thuyền, với 6 chủ chính thức, qua kiểm tra đã phát hiện 4 tàu vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường hồ, trong đó đã xử phạt được 2 tàu có chủ, còn 2 tàu khác tại thời điểm lập biên bản xử phạt thì không có chủ.
"Chúng tôi sẽ thông báo tìm chủ phương tiện, nếu không tìm được, quận sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố áp dụng biện pháp kéo, di chuyển về đầm Bảy", ông Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Sẽ di dời toàn bộ du thuyền “bức tử” Hồ Tây
Ông Đỗ Anh Tuấn cho biết, hiện quận đã có văn bản đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, các đơn vị liên quan sớm xử lý, di chuyển các tàu, thuyền tại khu vực số 4 Thụy Khuê về khu vực đầm Bảy, phường Nhật Tân (phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt).
Quan điểm của UBND Quận là di chuyển toàn bộ nhà nổi, du thuyền tại khu vực này để trả lại cảnh quan khu vực đường Thanh niên, Chùa Trần Quốc...
Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, đây là các DN hoạt động dịch vụ, vì vậy khi di chuyển cũng phải đảm bảo hoạt đông của các DN này. Đối với những tàu thuyền đủ điều kiện thì sẽ di dời, còn đối với các tàu thuyền không đủ điều kiện hoạt động thì sẽ tiến hành xử lý theo quy định.
"Chúng tôi sẽ sớm kiến nghị Thành phố phương án di chuyển cũng như là phương án "tái định cư" sau khi di chuyển, đảm bảo đồng bộ từ bến bãi, xử lý chất thải..., đảm bảo hoạt động của các nhà nổi, du thuyền, tránh tình trạng đưa về vị trí mới vẫn tái diễn cảnh ô nhiễm môi trường", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, khi các tàu di chuyển ra khỏi Hồ Tây về đầm Bảy, quận sẽ tăng cường các biện pháp giám sát không để ô nhiễm môi trường như thời gian qua./.