Kiện cũng… không sợ
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, thành phố, tính đến hết tháng 8/2014, có 47.315 đơn vị với gần 674.000 lao động tham gia BHXH còn nợ tiền BHXH, BHYT với số tiền nợ là 11.562 tỷ đồng, bằng 6,49% kế hoạch giao thu.
Đáng chú ý là số đơn vị nợ BHXH lớn, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đơn vị tham gia BH (47.315 đơn vị nợ, tương đương 18% số đơn vị tham gia BHXH, BHYT; với số lao động là 637.977, chiếm khoảng 6,7% số lao động tham gia BHXH, BHYT).
Số liệu thống kê của Thanh tra Chính phủ, trong quá trình rà soát đối với 325.937 DN ngoài quốc doanh được cấp giấy phép hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2008 tại 63 tỉnh, thành phố thì mới chỉ có 72.967 DN đã tham gia BHXH, BHYT, đạt 22,4%; các DN chưa tham gia lên tới 252.970 DN, chiếm 77,6%.
Trước tình trạng trốn đóng BHXH ngày càng có xu hướng gia tăng, ngành BHXH đã tiến hành hàng loạt giải pháp như: xử phạt hành chính, cho vào danh sách “đen” về nợ xấu, thậm chí là khởi kiện. Tuy nhiên, dù kiện ra tòa, dù đã thắng kiện xong ngành BHXH cũng khó mà đòi được tiền cho NLĐ.
 |
Ảnh: Minh họa
|
Điển hình như tại Quảng Bình, trước con số nợ ngày càng gia tăng, năm sau tăng hơn năm trước (tính đến tháng 9/2014 số tiền mà các đơn vị, doanh nghiệp (DN) đang còn nợ đóng BHXH là hơn 78,5 tỉ đồng), ngành BHXH đã phối hợp với Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh ban hành quy chế khởi kiện và tiến hành khởi kiện các đơn vị nợ BHXH kéo dài. Ngày 5/10, BHXH tỉnh cho biết, tính từ thời điểm bắt đầu triển khai công tác khởi kiện vào năm 2012 đến nay đã khởi kiện 65 đơn vị, DN.
Tuy nhiên theo đại diện ngành BHXH tỉnh Quảng Bình, việc kiện ra tòa cũng không có hiệu quả đối với một số DN vì không thể thi hành án được. Nguyên nhân là tài sản của các DN trên đã bị đem đi… thế chấp ngân hàng hết nên không thể kê khai được tài sản để thi hành án.
Chế tài mạnh mới đủ sức răn đe
Nếu tình trạng nợ BHXH vẫn tiếp diễn tràn lan như những năm gần đây, thì Quỹ BHXH đứng trước nguy cơ mất an toàn, kéo theo hàng triệu người có thể trắng tay khi hết tuổi lao động hoặc không may bị ốm đau, bị tai nạn lao động…
Trước thực tế này nhiều ý kiến cho rằng, hiện chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì cố tình trốn tránh việc thi hành án BHXH. Vì vậy, phải có chế tài xử lý nghiêm mới có thể giảm được tình trạng DN không thi hành bản án do tòa án đã tuyên.
Đồng tình với đề xuất này xong nhiều chuyên gia cho rằng hiện Ban Kiểm tra của cơ quan BHXH không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính nên công tác thanh tra, kiểm tra luôn gặp khó khăn. Bên cạnh đó chế tài xử phạt vi phạm còn thấp, tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm bị hạn chế, do đó, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa cao.
Từ thực tế trên ý kiến các chuyên gia cho rằng để chấn chỉnh “đại dịch” nợ đọng BHXH thì cần thực hiện đồng loạt các giải pháp như: xử lý hình sự, tăng mức phạt đồng thời tăng quyền thanh tra cho ngành BHXH…
Được biết, mới đây lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu sớm trình Chính phủ ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH tồn đọng kéo dài, không còn khả năng trả nợ của các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ lao động bỏ trốn, để tạo hành lang pháp lý giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động một cách kịp thời.