* Thưa Bộ trưởng, có một số ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả của sân bay Long Thành. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
- Thế nào là hiệu quả? Đặc thù của nước ta là sử dụng cho cả dân dụng lẫn quốc phòng an ninh. Từ khi đất nước giải phóng tới nay chúng ta chỉ đầu tư duy nhất một cảng hàng không mới là cảng Phú Quốc, còn lại toàn bộ là cảng hàng không đã có từ trước.
Có ý kiến cho rằng đầu tư nhiều sân bay, dàn trải là không phải. Có những sân bay như Điện Biên, nếu không hiệu quả thì không ai duy trì. Hay một số sân bay khác buộc phải duy trì vì đó không chỉ là hiệu quả về dân dụng kinh tế mà còn có cả quốc phòng an ninh.
Mạng lưới sân bay quy hoạch trước đây, từ khi đất nước chưa giải phóng đã có rồi. Nói về tính hiệu quả, Tổng công ty Hàng không hàng năm vẫn hoạt động tốt, có lãi, tất nhiên có vấn đề nọ vấn đề kia cần phải chấn chỉnh. Nhưng việc đầu tư này là cần thiết và một đất nước phát triển, hội nhập thì không thể không có hàng không.
* Nhiều người nhận thấy tính cần thiết của dự án, tuy nhiên cũng đặt vấn đề trong bối cảnh hiện nay đầu tư một siêu dự án như vậy có nên hay không?
- Dư luận trong nhân dân và nhiều ĐB Quốc hội cũng chia sẻ sân bay Long Thành là cần thiết vì việc mở rộng Tân Sơn Nhất là không thể. Tuy nhiên đưa sân bay Long Thành vào thời điểm này rõ ràng là không có lợi, vì Quốc hội đang bàn đến nợ công.
Chính phủ đã có báo cáo nợ công vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng Chính phủ cũng báo cáo nợ công có xu hướng tăng nhanh. Vì vậy, phải tính toán trong bối cảnh kinh tế của đất nước với từng dự án cụ thể. Với sân bay Long Thành, phải tính toán việc đầu tư trong sự phát triển chung của đất nước, đảm bảo được các tiêu chí về yếu tố nợ công.
Chính vì vậy việc trình ra Quốc hội lần này không phải để phê duyệt dự án triển khai ngay, mà mới chỉ là xin chủ trương. Từ chủ trương đến lập dự án tiền khả thi, đến khi thực hiện là cả một quãng thời gian dài, không thể nhanh được.
Vấn đề mà Quốc hội và nhân dân quan tâm là tiền đâu? Trong báo cáo cũng đã nêu. Báo cáo tiền khả thi chỉ là một số con số hết sức khái toán, còn để đảm bảo chính xác hơn, đầy đủ hơn theo yêu cầu của Quốc hội, cũng như yêu cầu của người dân thì khó trả lời ngay được, vì điều đó nằm trong giai đoạn báo cáo khả thi. Để báo cáo được cần phải có khảo sát, thiết kế, nhưng khi Quốc hội chưa phê duyệt chủ trương thì chưa thể làm báo cáo khả thi.
Trong báo cáo khái toán có số tiền 7,8 tỷ USD, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1a khoảng hơn 5 tỷ USD, số tiền này chỉ huy động ngân sách để lo phần giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư, trụ sở các cơ quan hải quan, thuế, an ninh… dự kiến khoảng hơn 4 nghìn tỷ đồng. Còn lại sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư là DN bỏ tiền vào đầu tư, cũng như DN sẽ vay lại vốn ODA của Chính phủ. Chính phủ vay ODA và cho DN vay lại, DN sẽ có trách nhiệm đầu tư và có trách nhiệm trả nợ sau này.
Đây là thực tế đã có với sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài, DN vay lại ODA của Chính phủ để đầu tư. Nhiều năm qua, Tổng Công ty Cảng hàng không vẫn đảm bảo việc trả nợ tốt và hoạt động kinh doanh có lãi.
Vốn cho sân bay Long Thành đúng là lớn, nhưng phần Nhà nước chỉ lo một số cơ bản như tôi vừa đề cập. Hơn nữa, vốn cũng chỉ là một khó khăn bên cạnh nhiều vấn đề khác. Ví dụ như chuyện giải phóng mặt bằng, giá đất có thể thay đổi khi chúng ta quyết định chính thức.
* Vậy chúng ta có tính đến chuyện trượt giá hay không, thưa Bộ trưởng?
- Chúng ta hay nói các công trình lớn thường trượt giá. Nhưng thực tế nhiều công trình như Tân Sơn Nhất, Nội Bài không trượt giá, các dự án của cảng hàng không làm không trượt giá, từ trước tới nay chưa có dự án lớn nào trượt giá cả.
Nhiều dự án lớn khác ví dụ như Quốc lộ 1A đang triển khai thi công, sang năm hoàn thành cũng không trượt giá và còn có dư.
Tôi nghĩ dự án sân bay Long Thành không thể trượt giá được, vấn đề là trình tự thủ tục dự án phải nhanh gọn.
* Nhiều người cho rằng nên để sau 2020 mới nên đặt vấn đề xây sân bay Long Thành, Bộ trưởng nghĩ sao?
- Đúng là nhu cầu phải 2025 mới cần có, nhưng để lúc 2025 có sân bay hoạt động thì phải chuẩn bị từ giờ. Nếu Quốc hội lần này thông qua về chủ trương thì phải làm tiếp tục dự án khả thi. Dự án khả thi sẽ được tiếp tục trình Quốc hội, lúc đó Quốc hội mới quyết định có làm hay không.
* Theo đánh giá của ông thì sân bay Long Thành tác động thế nào đến nợ công?
- Khi nợ công đã ở mức kiểm soát thì 0,01% cũng là tác động, nhiều 0,01 dồn lại sẽ thành 1, 1 thành 10. Đã kiểm soát thì nhỏ nhất cũng phải kiểm soát.
* Nếu làm sân bay này thì kế hoạch dự án đường sắt Bắc Nam có ảnh hưởng gì không, thưa ông?
- Để đầu tư 1 dự án cụ thể nào trong ngành giao thông thì phải đặt trong tổng thể tái cơ cấu của ngành giao thông. Tái cơ cấu giao thông phải đặt trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Khi tính toán một dự án cũng phải tính toán, đầu tư hàng không phải gắn với đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy. Ngược lại đầu tư đường sắt cũng phải gắn với đầu tư vận tải khác, thống nhất một tổng thể. Điểm yếu nhất của chúng ta hiện nay là sự kết nối giữa các phương thức.
* Vậy dự án cải tạo đường sắt Bắc Nam mà Nhật Bản đang nghiên cứu giúp chúng ta có bị chậm lại so với kế hoạch hay không, thưa ông?
- Không. Tuy là phía Nhật Bản vẫn đang giúp ta, nhưng vẫn phải có sự phân kỳ, làm từng đoạn một. Hiện nay Nhật Bản đang tư vấn chúng ta làm trước đoạn TP.HCM - Nha Trang, Hà Nội - Vinh, là những đoạn có mật độ cao.
* Hiện nay số liệu về quá tải sân bay Tân Sơn Nhất đưa ra rất khác nhau khiến các ĐB băn khoăn. Tại sao Bộ không làm việc với TP.HCM để có sự thống nhất về con số hành khách?
- Tất nhiên con số đưa ra là phải có căn cứ, theo chuẩn quốc tế. Quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất là có. Tính đến thời điểm năm 2025 là phải có sân bay mới, nếu không có sự mở rộng của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay.
Số liệu khác nhau là do có những hành khách không phải chỉ đến TP.HCM, họ đến trung chuyển tại TP.HCM rồi đi luôn, nên con số không khớp nhau được.
* Cho đến nay Bộ Chính trị đã có ý kiến gì về sân bay Long Thành, thưa ông?
- Trong Nghị quyết Trung ương đã nêu rõ là sử dụng nguồn vốn ODA và huy động các nguồn lực theo hình thức cộng tác đầu tư để đầu tư cho sân bay Long Thành. Hiện nay chúng tôi đã báo cáo với Bộ Chính trị. Vì Quốc hội chưa thông qua nên cần xem ý kiến của Quốc hội, sau đó Chính phủ sẽ tiếp thu và báo cáo lại với Bộ Chính trị. Bộ Chính trị sẽ nghe và cho ý kiến.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!.