Tham nhũng, lãng phí không có chiều hướng giảm
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương cho rằng, Việt Nam có mức độ tham nhũng xếp gần cuối bảng (thứ 116/175 quốc gia). Đi cùng với tham nhũng là lãng phí, rất nhiều công trình xây xong bỏ đấy, có ký túc xá đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ vài người ở; nhiều khu nhà nghỉ công nhân xây xong không ai ở, do cơ sở hạ tầng kém, đầu tư chưa đồng bộ.
"Đụng đâu cũng quy hoạch, quy hoạch rồi để đấy, quy hoạch treo đang gây lãng phí rất lớn. Vì vậy, công tác rà soát quy hoạch, thu hồi lại dự án treo phải được đặt ra có lộ trình, không chỉ nói mà phải làm ngay? Quốc hội cần có nghị quyết để giảm nợ công, bớt đầu tư công trình không hiệu quả, đừng để công trình nào cũng bị đội vốn, địa phương nào cũng chi vượt dự toán, có đến đâu làm đến đó", Đại biểu Đương bức xúc.
Bên cạnh đó, Đại biểu Đương còn cho rằng, chi hành chính vẫn rất lớn, bao nhiêu năm nay rồi nói giảm biên chế không làm được, cần phải đưa chỉ tiêu giảm biên chế về từng cơ quan; đoàn đi nước ngoài có xu hướng tăng, những yếu tố này khiến nợ tăng, kinh tế kém phát triển.
"Vì vậy, báo cáo chính phủ cần tập trung vào các nguyên nhân thiết thực và các biện pháp cụ thể giải quyết vấn đề thuế, chống lãng phí và vấn đề chống tham nhũng", Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tham nhũng là bài toán nan giải, tuy nhiên Ủy ban Kinh tế không thấy nói đến vấn đề tham nhũng, phải chăng ủy dành vấn đề này cho Ủy ban Tư pháp...
Cũng nói về tham nhũng, Đại biểu Trương Thị Ánh cho rằng, tham nhũng không có chiều hướng giảm, người dân đi đến đâu cũng phải "lót tay" thì công việc mới trôi chảy, cứ 10 người thì 8 người nói rất bức xúc với việc này, nhưng chỉ ra người đó thì không ai dám chỉ. "Nếu chúng ta minh bạch trong xử lý hồ sơ, trong các khâu thủ tục hành chính sẽ giảm những kẽ hở, cán bộ công chức không nhũng nhiễu nhân dân", Đại biểu Ánh nói.
Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán chưa tương xứng với tình hình thực tế. Việc chuyển các hồ sơ, tài liệu có dấu hiệu tham nhũng còn vướng mắc, các cơ quan vẫn chưa có sự thống nhất về tiêu chí đánh giá vụ việc cần chuyển cơ quan điều tra, nhất là các vụ phức tạp.
Gia tăng tệ nạn ma túy
Tại cuộc họp tổ, các đại biểu TP. Hồ Chí Minh đã phản ánh tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy trên địa bàn thành phố ngày càng nhiều, công khai. Cùng với đó là tình trạng các con nghiện thực hiện các hành vi cướp giật ngoài đường ngày càng tăng, khiến người dân rất lo lắng.
Chủ trương cai nghiện tại cộng đồng là hoàn toàn không khả thi vì người nghiện bị hạn chế về hành vi, không thể tự nguyện. Trong khi đó, việc muốn đưa người nghiện vào trại phải có quyết định của Tòa án, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công an mới có thể thi hành, mất rất nhiều thời gian, có khi đến 3-6 tháng.
Việc triển khai áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên theo Luật xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực từ 1/1/2014, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Thành phố hiện có đến 19.000 người nghiện ma túy, tăng 7.000 người so với năm trước. Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, sau khi tiếp nhận ý kiến từ các cơ quan chức năng cùng lãnh đạo thành phố, Đoàn đã thống nhất kiến nghị lên Quốc hội về việc xin một cơ chế riêng để thành phố hạn chế người nghiện ma túy.
Cụ thể, trong khi chờ làm hồ sơ đưa đi cai nghiện, chờ phán quyết của tòa án, đề nghị cho thành phố được phép thực hiện việc “cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện".
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị ngay trong kỳ họp này, Quốc hội cần có nghị quyết cho phép giải quyết những bất cập trong luật về vấn đề cai nghiện ma túy, để lâu sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, chính trị và đời sống nhân dân./.