Bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí về những vấn đề liên quan đến chi ngân sách, phát hành trái phiếu…
* Thưa Bộ trưởng, trong cuộc họp hôm nay, Chính phủ có bàn đến việc bố trí cơ cấu ngân sách cho vấn đề lương, vậy phương án Chính phủ đề cập là gì?
- Lương hiện nay theo quan điểm và chủ trương của Đảng vẫn là có lộ trình tăng lương. Nhưng tăng lương không chỉ có vấn đề về tiền mà nhiều vấn đề khác như bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động… nên hiện Chính phủ chưa bàn cụ thể chính thức để xử lý vấn đề này. Với quá trình tăng lương thời gian qua, mức chi cho lương chiếm tỷ lệ lớn trong chi thường xuyên. Lương là chủ đề phải bàn nhiều, nhưng không dễ giải quyết ngày một ngày hai.
* Liên quan đến chi tiêu, vừa qua có đại biểu Quốc hội phản ánh về tình trạng chi lãng phí ở nhiều nơi, hội họp nhiều vào cuối năm, có tình trạng phong bao, phòng bì…?
- Có lẽ còn có nơi, có chỗ nào đó có tình trạng này. Chính phủ thì không có chuyện đó. Họp không có bao thư, phong bì, cuối năm thì họp tổng kết trực tuyến, không lãng phí, tiết kiệm một cách triệt để. Không chi ngân sách tuỳ tiện mà quản lý tập trung, chặt chẽ, giám sát công khai minh bạch. Còn một số ngành, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp nào đó có lãng phí, tùy nơi, tùy lúc, nên đại biểu đã phát biểu như vậy.
* Thưa Bộ trưởng, tại cuộc họp lần này Chính phủ có bàn đến vấn đề phát hành trái phiếu Chính phủ hay không?
- Trái phiếu Chính phủ có kế hoạch cho từng năm. Năm nay, Quốc hội đã sử dụng hết. Quan điểm của chúng ta là huy động nguồn vốn để đầu tư phát triển, trước hết là cho kết cấu hạ tầng. Đây là một trong 3 nhiệm vụ đột phá, vì vậy không nên cứ ngại nợ mà không phát hành trái phiếu Chính phủ. Tất nhiên nợ phải được duyệt theo giới hạn để tránh nợ xấu. Khi quyết định vấn đề này, ngành Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, có lộ trình, tính toán để đảm bảo chiến lược nợ công.
* Việc phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ tạo cơ hội thế nào cho nhà đầu tư, thưa Bộ trưởng?
- Lấy ví dụ như dự án Samsung 7 tỷ USD ở Thái Nguyên. Người ta nói nếu không có con đường đó (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) thì họ sẽ không đầu tư như vậy. Như vậy việc đầu tư hạ tầng đó tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong kêu gọi đầu tư. Thái Nguyên đang thu hút đầu tư rất mạnh nhờ con đường này. Đó là minh chứng hùng hồn cho thấy, nếu sợ nợ không dám đầu tư thì không thể phát triển được.
* Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thì Chính phủ đã có chỉ đạo gì ?
- Chúng ta đã quản lý kỹ và đúng theo tinh thần chi cho đầu tư phát triển, không chi cho các khoản khác. Khoảng 98% nguồn này là phục vụ đầu tư phát triển. Số còn lại, hoà nhập vào cái chung, cũng phục vụ cho việc đó, ví dụ như vốn đối ứng cho ODA.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Tại cuộc họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng đã giải thích về việc chi thường xuyên chiếm 70% cơ cấu chi. Theo Bộ trưởng, đất nước đang đứng trước khó khăn, thử thách, tăng trưởng nhiều năm chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nhưng chúng ta không giảm bất cứ loại chi nào cho con người, an sinh xã hội và quốc phòng trong tình hình mới.
Thêm vào đó, trong lúc kinh tế khó khăn, chúng ta đã giảm một số nguồn thu, giảm, giãn để doanh nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn, điều đó cũng làm cho thu chi ngân sách bị ảnh hưởng.
Về cơ cấu chi, trong đó chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng GDP là sự cân đối không hợp lý. Lần này Chính phủ bàn và đặt ra yêu cầu phải tính toán lại bằng cách tiết kiệm, kiểm soát tốt, cân đối lại nguồn chi cho hợp lý. Trong đó có tính toán giải pháp lương tới đây.
Đối với phát hành trái phiếu, Bộ trưởng cho rằng nếu cứ tính gói ghém những gì trước mắt để đảm bảo thu chi ổn định thì khó có thể phát triển được. “Chúng tôi có nghe sự băn khoăn, lo lắng của nhân dân và công luận về vấn đề nợ của Chính phủ nhưng việc phát hành trái phiếu là cần thiết, phải chấp nhận để đầu tư trung và dài hạn cho những dự án lớn. Nhưng việc này phải nằm trong giới hạn cho phép và được Quốc hội thông qua”, Bộ trưởng nói.
|