Nhiều người luôn có cách nghĩ rằng, hàng hóa ách tắc, cửa khẩu chưa thông thoáng là do lỗi của “cái anh Hải quan”. Nhưng trên thực tế, ngoài lực lượng Hải quan, tại cửa khẩu còn có rất nhiều lực lượng chức năng khác, làm nhiệm vụ kiểm tra an ninh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, tiêu chuẩn qui định của hàng hóa… nên để đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, không phải riêng ngành Hải quan có thể quyết định được.
  |
Ngành Hải quan thí điểm nhiều giải pháp giảm thời gian làm thủ tục đối với hàng hóa XNK. Ảnh: TL
|
Những ai giữ “chìa khóa” cửa khẩu?
Hiện nay, tại các cửa khẩu hàng không, đường biển, đường bộ, ngoài lực lượng Hải quan còn có rất nhiều đơn vị làm công tác kiểm tra, kiểm soát thuộc các bộ, ngành chức năng khác như: Công thương, Giao thông – Vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin – Truyền thông, Tài nguyên - Môi trường… Tuy nhiên, nhiều người còn có cách nhìn phiến diện về công tác thông quan tại cửa khẩu. Cứ thấy hiện tượng hàng hóa ách tắc, cửa khẩu chưa thông thoáng, hay để lọt những lô hàng “có vấn đề” thì đổ ngay "do Hải quan”.
Thực tế, như trên đã nêu, có rất nhiều cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, mỗi đơn vị đảm nhận một chuyên ngành khác nhau, và không phải công tác kiểm tra đều được thực hiện tại cửa khẩu và xong trong một khoảng thời gian ngắn, nên quy trình kiểm tra đang tồn tại một số bất cập.
Đơn cử như về công tác kiểm tra về an toàn trên các lô hàng hoa quả nhập khẩu. Nếu như tại cửa khẩu, khâu kiểm tra của Hải quan không có vấn đề gì, thì công tác kiểm tra của ngành Nông nghiệp lại gặp khó. Do không đủ máy móc, trang thiết bị để kiểm tra định lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nên buộc cơ quan chức năng phải gửi mẫu về Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hà Nội và sau 5 - 7 ngày mới có kết quả. Theo thông lệ quốc tế, lô hàng đó vẫn được cho thông quan.
Thực trạng đó khiến cho nhiều người tiêu dùng lo ngại, rằng đến khi phát hiện vi phạm về tồn dư hóa chất độc hại thì hoa quả cũng đã được tiêu thụ, tác động lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, và kết quả kiểm tra sau đó không còn ý nghĩa.
Thêm một dẫn chứng về việc nhiêu khê trong xin phép và kiểm tra tại cửa khẩu, mà báo chí đã phải gọi là “ma trận kiểm tra chuyên ngành”, đó là kiểm tra ô tô nhập khẩu. Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước chia sẻ: Thực tế sản xuất của ngành ô tô cho thấy, các giấy phép chuyên ngành mà công ty phải thực hiện trong hoạt động xuất nhập khẩu bao gồm: Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới; bản kê khai chi tiết tổng thành máy, thân máy hoặc tổng thành khung và cả giấy phép về văn hóa cho những đĩa CD/DVD tài liệu.
Đối với giấy phép về văn hóa, thời gian cấp phép cho mỗi lô hàng thường kéo dài 1 tuần. Khi làm thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan bắt buộc niêm phong số đĩa CD/DVD kèm theo xe để doanh nghiệp mang đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại địa phương doanh nghiệp hoạt động để kiểm tra. Thực chất các CD/DVD của Công ty là tài liệu phục vụ hoạt động sản xuất ô tô, không phải là sản phẩm điện ảnh, trong khi cơ quan quản lý văn hóa lại quản lý theo giấy phép như sản phẩm văn hóa là không cần thiết.
Với giấy chứng nhận chất lượng an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới NK, thời gian cơ quan Đăng kiểm hoàn thành kiểm tra còn dài hơn nữa. Cụ thể, DN cần 4 tuần để thử nghiệm khí thải và 3 tuần tiếp theo để thử nghiệm an toàn…
“Đẩy công tác kiểm tra ra cửa khẩu”
Đó là nguyên văn cách diễn đạt của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái, khi nói về mục tiêu của Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả của kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” nhằm giảm thủ tục kiểm tra, giảm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp mà Hải quan đang triển khai.
Ngành sẽ thí điểm xây dựng các địa điểm kiểm tra liên ngành tại một số cửa khẩu lớn; đo thời gian thông quan hàng hóa XNK và công khai kết quả chỉ số thông quan. Qua đó, kiến nghị với các bộ, cơ quan liên quan về những giải pháp giảm thời gian làm thủ tục đối với hàng hóa XNK.
Trong đề án này, điểm đặc biệt chú trọng là tập trung vào việc liên kết với các bộ, ngành, đơn vị khác như: Công thương, Giao thông – Vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin – Truyền thông, Tài nguyên - Môi trường… để “đẩy công tác kiểm tra ra cửa khẩu”, chứ không phải như hiện nay, rất nhiều việc vẫn phải đưa về sâu trong nội địa để giải quyết.
Hiện Tổng cục Hải quan đã chủ động trong việc xây dựng hệ thống các văn bản như thông tư, quy trình, quy chế vận hành, hỗ trợ một số nguồn kinh phí cho các bộ, ngành triển khai thực hiện theo lộ trình cam kết một cửa quốc gia ASEAN, tạo điều kiện cho công tác xuất nhập khẩu.
Trả lời phỏng vấn trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc đã khẳng định: Theo tinh thần triển khai Luật Hải quan (số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, Tổng cục Hải quan đã xác định mục tiêu thời gian thông quan tối đa đối với cơ quan Hải quan.
Cụ thể, thời gian tiếp nhận và đăng ký tờ khai không quá 5 phút; thời gian kiểm tra hồ sơ ít hơn 2 giờ; thời gian kiểm tra thực tế ít hơn 8 giờ đối với hàng hóa thuộc diện rủi ro cao phải kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng đỏ); thời gian kiểm tra giám sát tại cổng cảng không quá 3 phút; đồng thời phối hợp với các ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán thuế và lệ phí cơ bản bằng phương thức điện tử...
Như vậy, mục tiêu đã xác định rõ ràng, quyết tâm và phương án của ngành Hải quan đã có, bên cạnh đó là rất nhiều giải pháp đồng bộ của ngành để đẩy nhanh tiến độ thông quan cũng đã triển khai. Nhưng kết quả, doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hay ít, còn phụ thuộc vào sự đồng lòng, chung sức của các cơ quan, đơn vị khác.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải chờ xem việc hợp lực để những “chiếc khóa” được “mở” nhanh đến đâu!