Tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Vì thị trường lành mạnh" diễn ra sáng nay, 31/10, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, vấn đề phòng chống buôn lậu đang được dư luận quan tâm với sức "nóng" tăng dần vào dịp cuối năm. Hiện nay, tình trạng hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến rất phức tạp và việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Đáng chú ý hơn cả là thời gian qua có nhiều hàng chất lượng thấp từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ, tên thương mại, nhãn hiệu của Việt Nam như thực phẩm chức năng, phân bón, thực phẩm đóng gói...
Chính vì vậy, từ nay đến cuối năm Bộ Công thương phối hợp với các ban ngành chức năng tập trung vào những trọng điểm buôn lậu qua biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Quảng Trị...
Đặc biệt, sẽ chú trọng vào một số mặt hàng trọng điểm như thuốc lá điếu, pháo nổ...Trong đó, sẽ sớm thành lập trạm kiểm soát cố định về buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến đường bộ.
Tại cuộc tọa đàm, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết thêm, hàng năm, ngân sách Nhà nước mất khoảng 8.000 tỷ đồng do buôn lậu thuốc lá. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến công ăn việc làm của gần 5 triệu lao động.
Ông Tín cũng nêu ra hai khó khăn cơ bản trong công tác phòng chống hàng lậu là về nguồn lực con người và cơ sở vật chất. Trong đó, hiện lực lượng cán bộ phòng chống buôn lậu rất mỏng, nhiều địa bàn còn "trắng" về cán bộ quản lý thị trường, không đảm bảo lực lượng ứng trực khi có hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu xảy ra.
Vì thế, việc chống hàng giả, hàng lậu không chỉ ngày một ngày hai có thể đấu tranh hiệu quả mà tất cả các bộ ngành và địa phương phải cùng vào cuộc, cùng phối hợp chặt chẽ với nhau.
Trong 10 tháng đầu năm, Cục QLTT đã phát hiện 13.000 vụ vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng nhái với số tiền xử phạt hơn 45 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 15 tỷ đồng.
Cũng theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, sau 7 tháng đi vào hoạt động, tính đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 44.000 vụ việc với trên 300 tỷ đồng tiền hàng hóa vi phạm./.