Nhất trí cao với tờ trình và báo cáo thẩm tra, các ĐB đánh giá cao những nỗ lực trong công tác quản lý ngân sách, quyết liệt chống thất thu thuế đồng thời vẫn giảm thuế, giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, qua đó giúp chúng ta thu vượt dự toán trên 10%. Đồng thời, các ĐB cũng đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục bất cập trong cơ cấu chi, thu đúng thu đủ ngân sách, giảm bội chi, tăng hiệu quả chi…..
Giảm chi chỗ nào cũng thấy khó
ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) đánh giá, chi thường xuyên đang tăng cao, nhưng khoản chi nào cũng thấy cần thiết, nói cắt giảm nhưng ĐB cũng đề nghị chi thêm chỗ này chỗ kia…
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng với cách làm như hiện nay, muốn cắt chỗ nào, thêm chỗ nào rất khó, muốn đầu tư cũng không được. ĐB kỳ vọng Luật NSNN (sửa đổi) sắp tới sẽ có cải cách, đổi mới căn bản. Trước mắt ĐB đề nghị mạnh dạn cắt giảm 10% chi thường xuyên, trừ lương và an sinh xã hội, để việc tổ chức lễ lạt, hội nghị… “phải tính nát óc mới làm được, không dễ dàng như hiện nay”. Đây cũng là ý kiến đề xuất của ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM).
Về vấn đề này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lại cho rằng việc giảm chi trước mắt là rất khó, chỉ có cách thu đúng, thu đủ. Và để tăng thu cần đẩy mạnh thu nội địa, rà soát, tái cơ cấu DN nhà nước, kiểm soát chặt để chống gian lận thuế ở khu vực FDI vì nguồn thu này vẫn còn nhiều dư địa. “Địa phương nào cũng tăng trưởng, phát triển, DN nào cũng hiệu quả mà sao đến lúc thu ngân sách ai cũng báo cáo khó khăn, vì thế cần phải luật hoá…”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Cùng ý kiến, ĐB Đinh Trịnh Hải (Ninh Bình) nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát chống gian lận, nợ đọng thuế. ĐB đề xuất đưa quy định thu 100% cổ tức của DN đã cổ phần hoá và thu một phần lợi nhuận còn lại của DNNN vào Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Bởi đây là lợi nhuận khi đầu tư vốn nhà nước, nếu không thu sẽ không khuyến khích đẩy nhanh cổ phần hoá DNNN theo kế hoạch. Đồng thời, xác định năm 2015 là năm công tác trọng tâm về thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nghiêm, đề nghị bổ sung vào Bộ luật hình sự tội lập DN để trốn lậu thuế.
Chính sách hỗ trợ nhiều như… lông bò
Nhiều ĐB cũng đề xuất phải thu gọn 16 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay xuống còn khoảng 4 chương trình cần thiết nhất như chương trình giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu, nông thôn mới, xoá nghiện để tránh dàn trải, lãng phí.
Theo ĐB Võ Thị Hồng Thoại, qua giám sát địa phương, có chương trình đưa xuống nơi thụ hưởng thì thất thoát tới 40 – 50%.
Phản ánh tình trạng lãng phí, chồng lấn, ĐB Lê Nam cho biết “đi giám sát, có trưởng bản nói chính sách nhiều như… lông bò”. Chẳng hạn, chương trình hỗ trợ đất lúa, mỗi sào vài chục ngàn, nhưng chi phí giấy tờ, đi lại cũng gần bằng, trong khi tổng chi ở trung ương rất lớn...
Đề nghị mỗi cơ quan chỉ có 3 phó
Một lãng phí khác cũng được nhiều ĐB nhấn mạnh là “lãng phí lãnh đạo”.
ĐB Trần Đình Nhã (Huế) cho rằng chúng ta đang “lạm phát cấp phó”. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 139.000 cơ quan và tổ chức hành chính sự nghiệp, điều này có nghĩa là có 139.000 cấp trưởng, và gấp 2 hoặc 3,4 lần số cấp phó.
Có cơ quan lên tới 5, 7 cấp phó. Có trường hợp 1 vụ có 4 phòng thuộc 4 lĩnh vực, lại có thêm 4 vụ phó. Như vậy là thừa 4 chức vụ, hoặc thừa 4 vụ phó, hoặc thừa 4 trưởng phòng.
Với mỗi cấp phó, trung bình mỗi năm ngân sách chi thêm 30 triệu đồng cho phụ cấp chức vụ, điện nước, đi lại. 139.000 cấp phó sẽ chi hơn 4.000 tỷ đồng, và càng nhân lên theo số lượng cấp phó.
Vì vậy, ĐB đề nghị Quốc hội đưa ra Nghị quyết có tính bước ngoặt trong hành chính, là đề nghị quy định mỗi cơ quan hành chính sự nghiệp không quá 3 cấp phó, trường hợp cần tăng thêm báo cáo Quốc hội xem xét. Có như vậy chúng ta mới bắt kịp nền hành chính hiện đại, văn minh.
Cùng quan điểm này, ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) khẳng định với những cơ chế tổ chức của chúng ta hiện nay, nếu không đổi mới, thì việc cồng kềnh, tốn kém, lãng phí, không hiệu quả vẫn còn tiếp tục. Ngay một tỉnh như Thanh Hoá hàng năm cũng chi hàng trăm tỷ đồng cho hội đặc thù mà ĐB thấy “rất vô lý”. ĐB bày tỏ hy vọng Đại hội Đảng 12 có đổi mới mạnh mẽ về thể chế để tinh giảm bộ máy nhà nước. “Nếu không đổi mới, không ngân sách nào chịu đựng được”, ĐB Nam nói./.