Chưa đánh giá tác động, chưa thể thông qua luật
Cụ thể, Ủy ban TVQH cho rằng, Hiến pháp năm 2013 quy định hệ thống giáo dục nước ta gồm có giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Luật Giáo dục hiện hành quy định giáo dục nghề nghiệp bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Tuy nhiên hiện nay, chỉ có hoạt động dạy nghề được điều chỉnh bởi Luật Dạy nghề còn trung cấp chuyên nghiệp mặc dù cùng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp song chưa có luật riêng điều chỉnh.
Vì vậy, việc đổi tên gọi của Luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh là cần thiết nhằm thống nhất lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện cho giáo dục nghề nghiệp phát triển, đáp ứng cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Bích Nhiệm (Yên Bái) cho rằng, dù đổi tên luật nhưng cơ quan soạn thảo chưa lấy ý kiến rộng rãi của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và 63 Sở Giáo dục đào tạo (GD&ĐT), 63 Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) địa phương để có được sự thống nhất và chưa thực hiện đánh giá tác động của một số quy định mới. Với một dự án luật như vậy, Quốc hội cần cân nhắc việc có nên thông qua tại kỳ họp này không?
Đồng quan điểm, đa số đại biểu tại phiên thảo luận đều cho rằng, thời gian qua dự thảo Luật chưa lấy ý kiến rộng rãi, việc này không thống nhất với các quy định hiện hành. Nếu dự thảo được thông qua tại kỳ họp này liệu các nội dung của Luật có thực sự phù hợp giữa lý thuyết quản lý và thực tiễn thực hiện tại cơ sở.
Đại biểu đề nghị lấy phiếu ý kiến về bộ nào sẽ là cơ quan chủ quản
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị giao cho Bộ Lao động, Thương binh Xã hội (LĐTBXH) thực hiện nhiệm vụ này, cũng có ý kiến đề nghị giao cho Bộ GD&ĐT trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, mặc dù giao cho Bộ GD&ĐT thì tăng thêm gánh nặng cho bộ này. Song Bộ GD&ĐT thì phải thực hiện chức năng đào tạo, nếu giao chức năng quản lý cho Bộ LĐTBXH thì phải đẻ thêm bộ máy quản lý, trong khi Bộ GD&ĐT đã có bộ máy này từ lâu.
“Không nên cắt từng đoạn của hệ thống giáo dục giao cho nhiều bộ quản lý, nếu sau này Bộ LĐTBXH quản lý không tốt thì sẽ giao cho ai quản lý”, đại biểu Bé nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cũng đề nghị không nên giao cho Bộ LĐTBXH quản lý mà cần tập trung vào một đầu mối quản lý, đó là Bộ GD&ĐT vì Bộ này đảm nhận tất cả các hoạt động giáo dục và đào tạo trên cả nước, đảm bảo tính hệ thống.
Tuy nhiên đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) cho rằng, nên giao Bộ LĐTBXH chịu trách nhiệm dạy nghề. Bởi Bộ này đang làm tốt, hệ thống dạy nghề đang đổi mới khá mạnh mẽ, chú trọng chất lượng cao, theo yêu cầu thị trường, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối trong việc dạy và tuyển dụng.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt cho rằng, trước đây đã giao cho Bộ GD&ĐT quản lý đào tạo nghề, nhưng hiệu quả thấp vì thế từ năm 2001 mới giao về cho Bộ LĐTBXH quản lý, từ đó, công tác dạy nghề đã có nhiều đổi mới.
"Nhiều việc quản lý cần thiết Bộ LĐTBXH đang làm, Bộ GD&ĐT khó có thể thực hiện được. Tôi đề nghị để Bộ LĐTBXH quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp", bà Nguyệt nhấn mạnh.
Các đại biểu cũng đề nghị Thường vụ Quốc hội cho lấy phiếu ý kiến về bộ nào sẽ là cơ quan chủ quản quản lý nhà nước về luật này./.