* Thưa bà, bà đánh giá thế nào về phần trả lời chất vấn chiều nay của Bộ trưởng Bộ Công thương?
- Bộ trưởng nắm vấn đề khá rõ nhưng cách trả lời thì có lúc hình như còn có ý đối phó, như câu hỏi của tôi về vấn đề hàng gian, hàng giả, về cách quản lý thì Bộ trưởng cho rằng thiếu phương tiện kiểm định đến nỗi phân bón phải kiểm định bằng miệng.
Một người nông dân nào đó có thể nếm một mặt hàng, nhưng cơ quan quản lý nhà nước có biết bao nhiêu mặt hàng phải quản lý, mà đến nỗi không có phương tiện, lạc hậu đến nỗi dùng miệng để kiểm định thì không thể chấp nhận.
Tôi muốn Bộ trưởng phải làm rõ để người dân tin tưởng, để người dân yên tâm sản xuất đúng theo pháp luật. Trong khi những kẻ gian dối dùng đủ mọi cách thì chúng ta lại nói dùng cách thô sơ lạc hậu như thời cổ đại là tôi không chịu.
* Bà có hy vọng tới đây Bộ Công thương sẽ có giải pháp đầu tư mạnh mẽ để lực lượng chống buôn lậu có phương tiện hoạt động hiệu quả hơn hay không ?
- Vấn đề chống buôn lậu không phải là trách nhiệm của riêng Bộ Công Thương, nhưng Bộ Công thương là cơ quan tham mưu, ví dụ như Ban chỉ đạo 389 do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, nhưng với Bộ Công thương, lĩnh vực nào của mình thì mình phải đóng vai chính, đề xuất mua sắm thế nào, phương tiện gì cần thiết cho mặt hàng nào chứ không thể trả lời như vậy được.
* Nhưng hiện nay với ngân sách đang khó khăn thì có thể không cấp đủ các phương tiện cho mọi lực lượng, địa phương ?
- Đúng là ngân sách thì không thể, nhưng người ta thường nói "dùng đậu để nấu đậu". Tức là những cái thu được từ phạt, xử lý… thì có thể tái đầu tư cho phương tiện thiết bị, xã hội dễ chấp nhận, Quốc hội cũng rất dễ chấp nhận.
Muốn làm được việc, đòi hỏi phải có phương tiện, phương tiện đó có thể từ nguồn thu xử lý xử phạt chứ không phải từ ngân sách. Nhưng chúng ta đã đề xuất chưa khi mà tiền phạt hàng ngày rất nhiều.
Hiện nay việc kiểm nghiệm hàng lậu, hàng giả có rất nhiều bất cập. Chúng ta chỉ có 3 trung tâm kiểm nghiệm ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, hàng hoá muốn kiểm nghiệm mất rất nhiều thời gian. Vậy phải làm cách nào tạo thuận lợi cho việc kiểm soát hàng hoá, trong khi ngân sách có hạn?
Lĩnh vực nào cũng vậy, phải khoanh vùng chứ không phải đầu tư tràn lan 63 tỉnh thành. Khu vực nào, lĩnh vực nổi lên vấn đề gì, nhiều bức xúc thì đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Còn những cái nhỏ lẻ thì tất nhiên chúng ta không chạy theo hết được. Luật chúng ta không thiếu, nhưng trong quá trình thực hiện, cơ chế chính sách, bước đi của chúng ta chưa kịp thời.
* Vậy với phần trả lời về trách nhiệm của Bộ trưởng trong công nghiệp hỗ trợ, bà có hài lòng không?
- Tôi thấy phần này Bộ trưởng có trả lời vào trọng tâm, nhưng tôi chưa thực sự hài lòng. Như câu hỏi của tôi rằng tỷ lệ nội địa hóa thấp như vậy thì DN nước ngoài đầu tư vào để lợi ích gì? Hay để họ hưởng chính sách ưu đãi, sử dụng lao động phổ thông với giá rẻ. Bộ trưởng có đề nghị sắp tới đào tạo nguồn nhân lực về khoa học công nghệ, nhưng thời gian qua Nhà nước và xã hội đã đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực khoa học công nghệ nhưng chúng ta không sử dụng hết tiền này và chúng ta không khai thác hết tiềm năng của nó.
Bộ trưởng cũng chưa thực sự mạnh dạn nhận trách nhiệm về mình lĩnh vực nào cụ thể. Có những lĩnh vực đòi hỏi sự phối hợp, nhưng vai trò tham mưu đề xuất chủ chốt là của Bộ trưởng.
* Bà có đánh giá gì về việc đầu tư và sử dụng nhân lực, đặc biệt trong khoa học công nghệ của chúng ta ?
- Đầu tư cho nhân lực và sử dụng nhân lực có hai mặt. Về đầu tư, chúng ta chưa đầu tư đến nơi đến chốn. Còn về sử dụng, phải thu hút được nhân lực bằng thù lao, đãi ngộ. Có những nhà khoa học của chúng ta đi học tập ở nước ngoài không muốn về nước vì lý do chính sách ưu đãi, thu hút chưa thỏa đáng với công sức, sự đầu tư của họ
* Cảm xúc của bà thế nào khi nghe thông tin về người nông dân sáng chế thành công ở Campuchia?
- Vừa tiếc vừa buồn. Người trong nước mình có bộ óc như thế, sáng chế được như thế nhưng muốn sử dụng thì phải có chính sách trọng dụng để họ tin tưởng và đáp ứng công sức của họ thì họ sẽ trở về.
Dù yêu nước đến đâu nhưng nếu hàng tôi làm ra bán ở nước ngoài 10 đồng mà bán ở trong nước 1 đồng thì yêu nước cũng rất khó.
* Cử tri và đại biểu luôn mong muốn những chuyển động thật sự sau mỗi lần chất vấn. Bà có tin rằng lần này sẽ có thay đổi sau những câu trả lời này ?
- Tôi nghĩ chuyển động thì cũng có, nhưng ở mức độ nào, có đáp ứng mong mỏi của cử tri hay không mới là quan trọng.
* Xin cảm ơn bà ./.