Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đối với giá cước vận tải sao để hợp lý và cạnh tranh được với các nước trong khu vực, nhất là khi xây sân bay Long Thành? Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ GTVT đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tái cơ cấu ngành GTVT, tập trung tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, doanh nghiệp nhà nước trong ngành... Theo đó, từng lĩnh vực đều được tái cơ cấu như đường sắt, đường thủy, hàng không và hàng hải.
"Chúng ta có lợi thế có đường biển dài, cần phát triển đường biển để hỗ trợ vận tải đường bộ, ngoài ra, đường sắt cũng đang triển khai các chương trình để nâng cao năng lực vận tải, giảm tải cho đường bộ", Bộ trưởng Thăng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: "Chúng tôi xác định tái cơ cấu thành công phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ, đào tạo lại con người trong từng lĩnh vực, góp phần giảm tải cước vận tải".
Qua những việc đang thực hiện, hiện tỷ trọng vận tải đường bộ đang giảm, hàng hải và đường thủy tăng, đường sắt đang tái cơ cấu sắp xếp lại nên tăng được thị phần. "Cước vận tải đường sắt đã giảm. Vừa rồi, giá xăng tăng nhưng ngành đường sắt nhiều năm không tăng cước và đợt này sẽ giảm giá vé Tết khoảng 10 - 17% so với năm 2013", Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ.
Đối với ngành hàng không, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu, đẩy mạnh xã hội hóa tất cả cái gì tư nhân có thể làm được. Vừa rồi, cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam rất thành công. Với giá vé hàng không, từ 2011 đến nay, không tăng giá dù giá nhiên liệu tăng.
Bộ trưởng cho rằng, về nhận định chung, giá cước vận tải Việt Nam hiện nay so với các nước khu vực, cước vận tải chung của hàng không Việt Nam như chặng TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội tương đương Phu Khẹt – Băng Cốc, thấp nhất là 140 USD, còn Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh cao nhất là 2,8 triệu đồng, Vietjet thì chỉ còn 1,4 triệu đồng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh kết nối phương thức vận tải với nhau, nâng cao khả năng logictics để giảm chi phí các doanh nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động.
Đề cập tới việc một số địa phương chưa có đường ôtô xã, huyện, Bộ trưởng cho biết, thực tế là vẫn có. Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ dù GTVT có cải thiện trong vài năm qua, nhưng cần cố gắng nhiều hơn nữa (hiện còn 11 huyện đảo chưa có đường ôtô). Còn ở đất liền, hiện có 8 huyện đất liền có đường ôtô đến huyện, nhưng phải qua phà. Bộ Giao thông Vận tải đã trao đổi với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để trong năm tới sẽ có có 5 huyện được làm cầu nối các đường ô tô liên huyện.
"Còn 3 huyện còn lại sẽ nghiên cứu, kết nối đường huyện. Theo phân cấp đường tỉnh, huyện của địa phương nhưng với trách nhiệm của ngành, chúng tôi sẽ tìm giải pháp để giải quyết việc đi lại cho bà con", Bộ trưởng bày tỏ.
Huyện đảo Cát Hải đang làm đường ôtô Tân vũ – Lạch Huyện. Còn 10 huyện chưa có đường sẽ được tăng cường bằng đường hàng không, tàu biển hiện đại an toàn.
Về mục tiêu đường ôtô về xã, theo chiến lược phát triển giao thông nông thôn đến 2020, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Các địa phương đã rất quan tâm phát triển giao thông nông thôn. "Ví dụ tỉnh Tuyên Quang 1 năm đầu tư 100km đường bằng góp của dân, hỗ trợ tỉnh; Phú Yên 9 tháng đã làm được 500km đường. Nhiều địa phương như vậy. Cùng với sự nỗ lực của các địa phương, ngành GTVT sẽ cố gắng tìm vốn, sự ủng hộ hảo tâm của các doanh nghiệp để mục tiêu xây dựng giao thông nông thôn sớm về đích", Bộ trưởng Đinh La Thăng nói./.