Nhiều vấn đề nóng đã được Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời như vấn đề về kết quả thanh tra thi công chức của Bộ Công Thương; cải cách hành chính; việc có quá nhiều cấp phó ở cơ quan trung ương, giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương...
Chưa có kết quả thanh tra về gian lận thi tuyển tại Bộ Công Thương
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết kết quả thanh tra, xử lý vụ việc tiêu cực trong thi tuyển công chức tại Bộ Công thương. Theo đại biểu Xuân, trách nhiệm của Bộ trưởng là gì?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, Luật công chức, viên chức và nghị định hướng dẫn hiện nay đã có một số đổi mới về thi tuyển. Theo đó, vai trò của Bộ Nội vụ là biên soạn, hướng dẫn tiêu chuẩn, thủ tục, đảm bảo khách quan, minh bạch, dân chủ công bằng, tuy nhiên, trong thời gian qua một số địa phương vẫn để xảy ra gian lận trong thi tuyển công chức, viên chức.
“Riêng với những tiêu cực tại Bộ Công thương, hiện chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để trao đổi thống nhất với đơn vị được thanh tra, vì vậy, mà thời gian không đảm bảo 45 ngày như quy định và vẫn chưa có kết luận cuối cùng”, Bộ trưởng cho biết.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) về tình trạng lạm phát cấp phó khiến bộ máy cồng kềnh, hoạt động thiếu hiệu quả, giải pháp của Bộ là gì?
Bộ trưởng cho biết: Theo quy định một cơ quan có 4 thứ trưởng, tăng thêm phải có đề án, được cơ quan thẩm quyền quyết định. "Chúng tôi muốn ít, nhưng các bộ lại muốn nhiều. Bộ Nội vụ đã có đề nghị với Chính phủ quy định cứng số lượng thứ trưởng, nhưng vẫn chưa bỏ phiếu thông qua được”.
Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục xây dựng quy định số lượng thứ trưởng. Thực tế, tình trạng quá nhiều cấp phó ở các cơ quan có nguyên nhân do bổ nhiệm. Về phía Bộ, nếu thấy có sai sót cũng chỉ có quyền kiến nghị, nếu không sửa thì tập hợp báo cáo với Chính phủ.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu có quy định cứng để thực hiện thống nhất số lượng cấp phó tại các cơ quan, địa phương. Khi có quy định cứng mà bộ, ngành vẫn vượt thì sẽ phải chịu trách nhiệm", Bộ trưởng khẳng định.
Chất lượng cán bộ đáng báo động
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn, dư luận phản ánh tình trạng người có năng lực không muốn vào cơ quan nhà nước, nếu có vào thì cũng sớm ra. Nhưng người kém năng lực lại đang gia tăng trong bộ máy, tức là bộ máy đang gia tăng cán bộ công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” nhưng lại luôn ham muốn trở thành lãnh đạo. Đây là nguyên nhân giảm chất lượng cán bộ công chức, tội phạm tham nhũng tăng?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bình cho rằng, đây là câu hỏi khó, có tình trạng “Người lười nhác ham muốn thành đạt nhiều”. Nguyên nhân là do sử dụng cán bộ chưa đúng với phẩm chất, trình độ, cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm, tiền lương chậm cải thiện, chưa tuyển dụng được người có năng lực, đặc biệt chưa có quy định gắn với trách nhiệm người đứng đầu...
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra giải pháp phải đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới nhằm sử dụng người có tài năng làm được việc. Bộ cũng đang trình Thủ tướng đề án tuyển 1.000 sinh viên xuất sắc vào cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng đội ngũ này".
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang trình Thủ tướng nghị định về tinh giản biên chế, đồng thời đang hoàn thiện tờ trình, xin ý kiến Trung ương về đề án tinh giản biên chế, trong đó có nhiều biện pháp mạnh. Dự kiến, có thể triển khai từ đầu 2015.
Không có chức danh “hàm” vẫn bổ nhiệm
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) truy, hiện nay có xuất hiện chức danh “hàm” cụ thể như hàm vụ trưởng, hàm phó vụ trưởng… Chức danh này có trong quy định bộ máy hành chính không, đề nghị Bộ trưởng làm rõ?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hùng, Bộ trưởng cho biết, trong các văn bản của nhà nước về bổ nhiệm cán bộ không có quy định nào về hàm, nhưng có một thực tế một số cơ quan vận dụng “hàm” đối với cán bộ công chức. Đây là vấn đề cần được quan tâm.
Ngày 11/6 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có công văn yêu cầu rà soát cán bộ, công chức có chức danh hàm từ cấp phòng trở lên. Theo báo cáo của 18 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chính phủ có 339 cán bộ có “hàm”, cụ thể hưởng chế độ hàm vụ trưởng là 96 người, hàm phó vụ trưởng là 150 người, hưởng chế độ hàm trưởng phòng là 76 người, hàm phó phòng phòng 17 người.
"Một số bộ, ngành ban hành cả quy chế bổ nhiểm chức danh hàm, chúng tôi đã thành lập bộ phận để nghiên cứu và có hội nghị, hội thảo đánh giá thực chất về hàm, đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền cùng vào cuộc để sớm kết luận về vấn đề này và có biện pháp xử lý", Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói./.