"Cát tặc" lộng hành
Chia sẻ tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, tình trạng cát tặc thực chất đã diễn ra từ lâu, nhưng thời gian gần đây mới diễn biến phức tạp.
Trước đó, huyện cũng đã vào cuộc và xử lý. Cụ thể, năm 2013, Công an huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ khai thác cát trái phép, số tiền phạt 15 triệu đồng, 1 vụ mua bán cát không có hóa đơn chứng từ, tổng số tiền phạt là 2,5 triệu đồng; đầu năm 2014, công an huyện đã xử phạt vi phạm hành chính 6 vụ khai thác cát trái phép, phạt số tiền 89 triệu đồng...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép đang gia tăng nhanh chóng, số lượng khai thác lớn đang gây ra tình trạng đất hai bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, sông bị lệch dòng chảy, nước vẩn đục và ô nhiễm... Các đối tượng thường cho tàu neo đậu sát bờ sông thuộc địa phận mỏ cát, lợi dụng ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần vào ban đêm, sáng sớm và dùng nhiều thủ đoạn để trốn tránh lực lượng chức năng kiểm tra và đã khai thác cát trái phép trên sông Hồng với số lượng lớn.
Lãnh đạo huyện cũng rất "khổ tâm" vì không xử lý được, mỗi ngày, các tàu hút cát trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ khai thác trái phép khoảng 2.000m3 cát, tương đương khoảng 1 tỷ đồng.
Với sự vào cuộc của Bộ Công an, rạng sáng 8/11, 200 cán bộ, chiến sĩ gồm các lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông đường thủy và các đơn vị của Bộ Công an đã bao vây khúc sông Hồng chảy qua địa bàn huyện Phúc Thọ. Theo đó, đã bắt giữ 20 tàu khai thác và 16 tàu chuyên chở cát trái phép, thu giữ nhiều tang vật liên quan, trong đó có cả vũ khí.
Có chuyện lãnh đạo huyện bảo kê cho cát tặc?
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng xã hội đen cầm đầu, tiến hành khai thác cát trái phép tại địa bàn huyện Phúc Thọ, huyện có biết không? Ông Phú khẳng định, huyện có biết, tuy nhiên do lực lượng mỏng, lại có sự chồng chéo trong việc quản lý khai thác cát trên địa bàn huyện Phúc Thọ và địa bàn huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, do vậy, các đối tượng đã lợi dụng việc này tập trung khai thác cát trái phép.
Trên thực tế, việc khai thác cát trái phép tại đây diễn ra hàng đêm, với thủ đoạn rất tinh vi, lãnh đạo và nhân dân cũng rất bức xúc trước vấn nạn này. "Chúng tôi đã có văn bản báo cáo thành phố về việc này và đề nghị các lực lượng chức năng cùng vào cuộc, mừng là vừa rồi Bộ Công an đã giúp triệt phá giúp nhóm đối tượng này”, ông Phú chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phải chăng lãnh đạo huyện bảo kê cho các doanh nghiệp khai thác cát trái phép trong thời gian dài gây hậu quả nghiêm trọng?
Ông Phú khẳng định, trên địa bàn huyện chỉ có 2 công ty là Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường và Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép khai thác, nhưng khai thác lộ thiên, chỉ được khai thác vào mùa khô để đảm bảo dòng chảy.
Tất cả các tàu đang khai thác đều là khai thác trái phép, các đối tượng khai thác cát có cả vũ khí để chống trả lại lực lượng chức năng khiến nhân dân khiếp sợ, còn huyện thì không thể giải quyết được. Phải đến khi Bộ Công an vào cuộc mới giải quyết được vấn đề này.
"Tôi khẳng định không có chuyện lãnh đạo huyện chống lưng, bảo kê cho khai thác cát trái phép", ông Phú khẳng định.
Để giải quyết tình trạng này thời gian tới, ông Phú kiến nghị UBND Thành phố phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất xác định mốc giới, xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Vĩnh Phúc với Hà Nội; giữa huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc với huyện Phúc Thọ để quản lý tàu cát cho hiệu quả.
Huyện cũng kiến nghị Thành phố chỉ đạo Công an TP Hà Nội bố trí khu vực bến bãi phục vụ xây dựng nơi quản lý, tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm; cấp phát trang thiết bị để phục vụ tuần tra kiểm soát; tăng cường quân số cho Công an huyện Phúc Thọ.../.