Triển khai quyết liệt, có hệ thống
Nói về công tác cải cách thủ tục hành chính, lãnh đạo ngành KBNN đã khẳng định: “KBNN luôn coi trọng công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, những năm qua, KBNN đã triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính quyết liệt và có hệ thống”.
Cụ thể, bám sát chương trình, mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ và Bộ Tài chính, KBNN đã xây dựng kế hoạch cải cách hành chính hàng năm và chỉ đạo hệ thống quyết liệt triển khai thực hiện.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, ngành KBNN đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác cải cách thủ tục hành chính và tổ chức triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng. Ngành đã thường xuyên như đưa tin, bài trên Cổng thông tin điện tử của hệ thống KBNN. Việc phối hợp với các cơ quan báo chí như: Thời báo Tài chính Việt Nam, Báo Hải quan, Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia, Chương trình “Kho bạc Nhà nước với tiến trình CNH, HĐH đất nước” trên sóng VOV2 Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho thấy hiệu quả. Các bài viết về cải cách hành chính tại KBNN đã cung cấp thông tin sâu rộng đến các cá nhân, tổ chức có quan hệ giao dịch với KBNN, giúp công luận hiểu rõ hơn về những đổi mới của ngành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người giao dịch.
Đặc biệt, KBNN đã có Quyết định số 1116/QĐ-KBNN về thực hiện Quy chế một cửa trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN), và đã ban hành theo thẩm quyền quy trình kiểm soát chi “một cửa”. Các KBNN tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện theo nguyên tắc: Mỗi giao dịch viên là “một cửa”, trừ trường hợp có thanh toán bằng tiền mặt; người tiếp nhận hồ sơ cũng chính là người xử lý công việc cho đơn vị giao dịch. Qua đó tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục kiểm soát chi NSNN, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, trách nhiệm kiểm soát.
Bên cạnh đó, KBNN đã bước đầu thống nhất thực hiện kiểm soát chi đầu tư và chi các chương trình mục tiêu quốc gia về một đầu mối (phòng/bộ phận kiểm soát chi NSNN). Song song với việc triển khai TABMIS, thì quy trình nghiệp vụ về kiểm soát chi thường xuyên và chi đầu tư cũng dần được đồng bộ, thống nhất.
Nội dung cải cách thủ tục hành chính cũng được đưa vào kế hoạch kiểm tra tổng thể của KBNN và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra. Việc cải cách được thực hiện trên tất cả các nội dung công tác cơ bản của ngành. Từ đó nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đạt được những kết quả thiết thực trong triển khai công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Hiện đại hóa công tác thu, chi ngân sách
Với công tác quản lý thu NSNN: KBNN đã chủ trì xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành các quy định pháp lý về phối hợp thu, triển khai thực hiện quy trình Hiện đại hóa thu NSNN theo hướng đơn giản về thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền cho người nộp thuế. Theo quy trình này, người nộp thuế có thể thực hiện nộp tại KBNN, tại các ngân hàng thương mại, thực hiện chuyển tiền điện tử qua điểm thu ngoài trụ sở KBNN…
Việc quản lý chi NSNN cũng đã được đổi mới với nhiều nội dung quan trọng như nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; Thông tư của Bộ Tài chính quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi NSNN qua KBNN, xây dựng và tổ chức triển khai Đề án cam kết chi; thực hiện cơ chế “một cửa” trong kiểm soát chi NSNN.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống đã được KBNN đẩy mạnh thông qua phối hợp thu NSNN với các NHTM; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN bằng tiền mặt qua KBNN; triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thí điểm thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu NSNN với hệ thống Agribank; tổ chức kiểm tra, nghiệm thu thiết bị và đào tạo cho 4 đơn vị KBNN (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đà Nẵng) để triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Quy trình cơ bản của hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu NSNN là việc điện tử hóa các giao dịch thu, chi NSNN và thanh toán của KBNN qua các ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản, thay thế hoàn toàn phương thức thủ công giao nhận và xử lý, thanh toán bằng chứng từ giấy trước đây. Qua đó góp phần tập trung nhanh, đầy đủ và chính xác các khoản thu NSNN; đảm bảo thanh toán kịp thời, chính xác các khoản chi NSNN cho đối tượng thụ hưởng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN.
Trên cơ sở đó, ngân quỹ KBNN được tập trung về trung ương, phục vụ cho mục tiêu quản lý an toàn, hiệu quả ngân quỹ KBNN và từng bước hình thành kho bạc điện tử, là mục tiêu chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Đặc biệt, tạo điều kiện cho việc kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hiện tại cũng như lâu dài. Đây cũng là bước tiến lớn của KBNN và NHTM trong việc tiếp tục đẩy nhanh công tác cải cách thủ tục hành chính và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Ngoài những điểm thu cố định, KBNN đã mở hàng trăm điểm thu lưu động để tạo thuận lợi cho người nộp thuế; đồng thời, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin điện tử tiên tiến vào quy trình quản lý thu NSNN. Đến nay, dự án đã tiến hành xong việc nâng cấp theo mô hình tập trung (TCS tập trung) tại tất cả các địa phương trên cả nước và công tác phối hợp thu đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố với gần 700 đơn vị KBNN quận, huyện; đồng thời, triển khai phối hợp thu với các ngân hàng thương mại nhà nước (ngân hàng mà KBNN có mở tài khoản), và NHTM cổ phần (ngân hàng mà KBNN không mở tài khoản). |