Dự thảo luật có đưa hai phương án: phương án một không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở quận, phường; phương án hai là tổ chức HĐND ở mọi đơn vị hành chính, bao gồm cả quận, phường.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, cần phải tổ chức HĐND ở tất cả các cấp, ở tất cả các đơn vị hành chính, bao gồm: quận, phường. Bởi vì, HĐND là một thiết chế dân chủ, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương, đây là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương.
Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Luật tổ chức chính quyền địa phương thực chất là Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành, được bổ sung thêm các chương quy định về phân cấp, phân quyền, chính quyền địa phương và tổ chức đơn vị hành chính, kết cấu lại các điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND các cấp.
"Vì cái lõi của luật là quy định về HĐND và UBND, cho nên về quan điểm xây dựng luật đã là chính quyền phải có đủ cả HĐND và UBND. Nó toát lên tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Nơi nào có chính quyền, nơi đó có cả HĐND và UBND. Không có chuyện có UBND mà lại không có HĐND, như phương án một ban soạn thảo đưa ra", ĐB Sơn nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn, việc thí điểm không tổ chức HĐND là khá kỳ lạ, diễn ra quá dài. "Tôi tán thành nhiều đại biểu nói, chúng ta đừng bao giờ quên HĐND với tư cách là cơ quan dân cử, đại diện nhân dân, là thành quả của nền dân chủ. Tất cả các nước người ta đều làm, nước Lào trước không có HĐND, bây giờ người ta đang chuẩn bị làm HĐND, sao ta lại bỏ đi?", đại biểu phát biểu.
Do đó, đại biểu Sơn đề nghị cần tuyên bố chấm dứt ngay các cuộc thí điểm không tổ chức HĐND, đồng thời dự thảo luật trong lần trình Quốc hội tới sẽ không còn 2 phương án nữa, thống nhất chỉ có một phương án, đó là chính quyền có HĐND và có UBND.
Cũng theo đại biểu Sơn, câu chuyện HĐND cấp quận, cấp phường không phát huy vai trò thì nên quy định cụ thể trong luật: HĐND cấp quận, huyện làm gì, quyền hạn như thế nào; HĐND phường thì làm gì, tập trung vào quản lý đô thị, quản lý hành chính chứ không phải làm quy hoạch như HĐND xã. Nếu các quy định rõ ràng sẽ thấy hiệu quả.
Đồng quan điểm, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nhấn mạnh, HĐND cùng với UBND được chế định trong Hiến pháp là 2 bộ phận cấu thành của cấp chính quyền. 2 tổ chức này cùng tồn tại khi và chỉ khi có cấp chính quyền và đương nhiên là không thể tồn tại nếu không có cấp chính quyền.
HĐND hoặc UBND đều không có thiết chế tồn tại độc lập. Không có chế định nào của Hiến pháp quy định về sự tồn tại riêng của HĐND hay là của UBND trong bộ máy chính quyền địa phương. Do đó, dự thảo luật quy định ở quận, phường không có HĐND, chỉ có UBND mà gọi là chính quyền địa phương là không đúng với Khoản 2, Điều 111 của Hiến pháp 2013 và không đúng với quy định của Điều 6, Hiến pháp năm 2013. "Tôi đề nghị không bỏ HĐND cấp quận, phường", đại biểu Danh Út nói./.