Thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, quan điểm của Ban soạn thảo chưa dứt khoát, đặt Luật dân sự là nền, hay là đang "uốn éo" theo các luật chuyên ngành. Đây là điểm cần làm rõ.
“Nếu chúng ta xem luật dân sự là nền để xây dựng một hệ thống pháp luật bền vững, hàng trăm năm không phải sửa, không phải sửa đi, sửa lại nhiều thì chúng ta sửa vấn đề "lấn" chứ không sửa nền”, đại biểu nói.
Phân tích sâu hơn, đại biểu Lịch cho rằng, nhiều luật “lấn sân” Luật dân sự, điển hình là Luật nhà ở. "Ví dụ, bất động sản và những tài sản pháp luật quy định phải đăng ký. Chiếm hữu không suy đoán là sở hữu, đấy là nguyên tắc. Cái xe ở nhà không thể là của ai nếu chưa đăng ký với nhà nước. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch ở luật dân sự, nhưng chúng ta đang vi phạm nguyên tắc này ở Luật nhà ở", đại biểu nói.
Còn đại biểu Nguyễn Bá Thuyền ( Lâm Đồng) cho rằng, Luật còn quy định rất chung chung. Cụ thể, trong Luật có quy định là vì lẽ công bằng của xã hội mà xét xử. Vậy thực sự như thế nào là công bằng? “Có người nói vấn đề này công bằng, tòa sơ thẩm bảo vấn đề này là công bằng, tòa cấp trên bảo vấn đề này chưa công bằng. Để giải quyết vấn đề công bằng đòi hỏi trình độ thẩm phán phải thật sự uyên thâm. Tôi thấy cần có sự cân nhắc quy định này”, đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu Thuyền, Luật có quy định về một số thuật ngữ mới như: "vật quyền, trái quyền", "hành vi pháp lý dân sự, giao dịch dân sự". Đại biểu Thuyền nêu quan điểm: “Trước đây chúng ta gọi là "tài sản và quyền sở hữu tải sản", bây giờ đổi là "vật quyền", có gì giống nhau và khác nhau?. Theo tôi nghĩ nội dung không có gì khác, có cần thiết phải đổi không?".
Đại biểu Thuyền cho rằng, nếu sử dụng từ ngữ mà làm cho toà án, kiểm sát hiểu sai, gây oan sai cho dân thì nên sửa, còn nếu thấy dùng thuật ngữ đó lâu dài mà không có vấn đề gì (hiểu sai) thì không nên sửa.
“Chúng ta cứ đùng cái là sửa và không nói lý do vì sao sửa? Chúng ta sửa phải có kế thừa và những gì đã ổn định, lâu dài và được người dân quen thuộc, không có gì hiểu nhầm cho người dân, thẩm phán, hội đồng xét xử, kiểm sát thì không nên sửa đổi”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Thuyền đề nghị bổ sung hai loại hợp đồng, trong Bộ luật dân sự sửa đổi là “hợp đồng cần mẫn” và “hợp đồng hảo ý” với một số ngành nghề để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.
Ông Thuyền nói: “Ví dụ bây giờ giáo viên, bác sĩ, luật sư là những người liên quan tới hợp đồng cần mẫn. Tôi dạy học cho con anh, đậu hay không đậu vẫn phải trả tiền cho tôi. Tôi làm bác sĩ chữa bệnh cho anh, sống hay chết anh cũng phải trả tiền cho tôi. Tôi là luật sư bào chữa cho anh, thắng hay thua anh cũng phải trả tiền cho tôi. Nếu không quy định những vấn đề này thì khi thực tiễn phát sinh, giải quyết sẽ rất khó”.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) đề nghị, không sử dụng thuật ngữ vật quyền, trái quyền.
“Tôi đề nghị giữ nguyên tên gọi hiện hành là tài sản và quyền sở hữu và cũng giữ nguyên tên gọi của Bộ luật dân sự hiện hành là nghĩa vụ và hợp đồng. Vì đây là những thuật ngữ dễ hiểu mang tính phổ biến, áp dụng không có vướng mắc gì, do vậy không cần thiết phải thay đổi”, đại biểu nói./.