Băn khoăn "lệch pha" tuyển dụng và đào tạo
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình)
Qua kỳ họp này, tôi thấy rất tâm đắc với hai vấn đề. Thứ nhất là chúng ta đã thông qua, xem xét và cho ý kiến số lượng luật lớn, với nhiều ý kiến đóng góp chất lượng.
Thứ hai là mặc dù rất khó khăn về nguồn nhưng khi các đại biểu Quốc hội thảo luận trao đổi thì Chính phủ đã bàn bạc và trình được phương án tăng lương, đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội. Mặc dù mức tăng chưa được như mong muốn ban đầu là áp dụng với tất cả công chức theo lộ trình nhưng cũng là điều tích cực.
Có một điều tôi còn băn khoăn là qua chất vấn nổi lên vấn đề tỷ lệ lao động chưa được qua đào tạo có xu hướng gia tăng và đó là một chỉ tiêu duy nhất Quốc hội giao chúng ta không hoàn thành. Trong khi đó, hiện nay cũng có nghịch lý là hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư không có việc làm. Điều đó cho thấy sự chênh lệch giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu mong muốn được đào tạo rất khác nhau.
Tôi mong muốn trong thời gian tới, với sự quyết tâm điều hành của Chính phủ, sự chất vấn giám sát của Quốc hội, sẽ có những thay đổi tích cực trong vấn đề này.
Lấy phiếu tín nhiệm không phải là để loại bỏ
ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội)
Kỳ họp này chúng ta đã xem xét thông qua được nhiều luật cơ bản, trong đó có cả những luật khá "gay cấn". Riêng Nghị quyết về dự án Long Thành chúng ta không có ý định thông qua mà mới xem xét, cho ý kiến để Chính phủ cân nhắc kỹ về dự án này.
Hôm nay, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đây là vấn đề khó nhưng các đại biểu đóng góp ý kiến rất có trách nhiệm, có những đề xuất rất khoa học, đáng được tiếp thu.
Một nội dung rất lớn của kỳ họp này là lấy phiếu tín nhiệm, tôi cho cũng là một thành công, kết quả được nhiều đại biểu đánh giá là đúng. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh đúng tình trạng cá nhân người được lấy phiếu và bản thân ngành họ quản lý.
Có nhiều đại biểu băn khoăn vì không thay đổi mức đánh giá. Quan điểm của tôi là chúng ta đang lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá, thăm dò tín nhiệm thấp, tín nhiệm cao chứ không phải để loại bỏ ai đó. Đây không phải là quy trình loại mà là bước đầu tiên, tức là bước đánh giá.
Cái chưa được thì kỳ họp nào cũng có. Gần đây báo chí phản ánh kỳ họp Quốc hội vắng và điều này cũng đã có ở nhiều kỳ họp trước. Các đại biểu không chuyên trách thường kiêm nhiệm nhiều chức vụ, công việc địa phương nên đôi khi bị xao nhãng nhưng cũng cần cố gắng hơn. Về chất vấn các bộ trưởng, cũng còn một số bộ trưởng trả lời chưa hay.
Chính sách phải cụ thể, gắn với thực tế cuộc sống
ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang)
Đây là kỳ họp đầu tiên tổ chức tại toà nhà mới, mọi việc đều suôn sẻ, thành công. Quốc hội đã hoàn thành một chương trình nặng nề, nhiều vấn đề quan trọng đã được quyết định. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề nếu có nhiều thời gian hơn thì chất lượng sẽ cao hơn. Ví dụ như một số dự án luật có thời gian thảo luận kỹ hơn, thời gian chuẩn bị nhiều hơn thì có thể chất lượng tốt hơn.
Để các luật và Nghị quyết Quốc hội đưa ra đi vào cuộc sống, ĐB cho rằng phải phản ánh được thực tế của cuộc sống, giải đáp được những vấn đề cuộc sống đang đặt ra. Khi xây dựng luật và Nghị quyết phải xuất phát từ những thực tế vướng mắc trong cuộc sống và giải đáp những vấn đề đó bằng những quy định pháp luật và những định chế, giải pháp.
Và như vậy những chế định trong luật, giải pháp, mục tiêu yêu cầu trong Nghị quyết phải càng cụ thể, rõ ràng thì mới có thể kiểm định, đánh giá được. Nếu những giải pháp đưa ra quá chung, quá dài hạn thì rất khó đánh giá thực hiện.
Với luật, chúng ta phải hạn chế những điều phải hướng dẫn bằng văn bản dưới luật, và nếu hướng dẫn cũng phải kèm theo các dự án luật và tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn ban hành các Nghị định hướng dẫn các điều khoản trong luật, sau khi luật đã công bố, có hiệu lực.
Một khía cạnh khác để đảm bảo tính khả thi của luật và Nghị quyết còn liên quan đến tổ chức, bộ máy, năng lực của những người thực thi. Ví dụ như đưa ra giải pháp rất hay, thời gian, mục tiêu rất cụ thể, nhưng bộ máy, nguồn lực và con người để thực hiện không đảm bảo thì không thể thực hiện được.
Vì vậy, giữa văn bản, chính sách, với bộ máy, nguồn lực thực hiện phải đồng bộ và tương thích. Chúng ta đã thấy nhiều kinh nghiệm, khi chính sách đưa ra rất hay, rất đáp ứng mong mỏi người dân nhưng nguồn lực không tương xứng. Vì vậy, phải nhìn nhận lại việc này để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách./.