Tiêu cực khá phổ biến
Báo cáo Nhận diện và giảm thiểu rủi ro dẫn đến quản lý đất đai ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Đan Mạch và Đại sứ quán Thụy Điển thực hiện cho thấy, theo suy nghĩ của nhiều người dân và các tổ chức đoàn thể được tham khảo ý kiến trong các tình huống nghiên cứu cấp tỉnh, tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận) là khá phổ biến.
Một số nơi người dân phải trả thêm tiền để lấy giấy chứng nhận nhanh hơn. 61% ý kiến những người được hỏi nhất trí rằng nếu trả thêm tiền, việc cấp giấy chứng nhận sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Khả năng xảy ra tham nhũng trong cấp giấy chứng nhận phụ thuộc vào vị trí của đất. Ở những khu vực nông thôn ít phát triển hơn, thì tình trạng tham nhũng cũng ít hơn, do những người sử dụng đất nông nghiệp không quan tâm đến việc lấy Giấy chứng nhận và mức phí mà mà họ phải trả.
Ngược lại ở những khu vực nông thôn phát triển hay khu vực thành thị, người sử dụng đất quan tâm đến việc lấy giấy chứng nhận, vì giá trị của đất cao hơn và có thể nhu cầu chuyển quyền đối với đất phi nông nghiệp.
Theo kết quả điều tra doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB ES), cứ 3 doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp trả lời rằng họ được yêu cầu hay chờ đợi chi các khoản chi không theo quy định, hoặc biếu quà khi xin cấp Giấy chứng nhận.
 |
Ảnh: Minh họa
|
Quy trình thực hiện hạn chế
Đánh giá của nhóm nghiên cứu Báo cáo Nhận diện và giảm thiểu rủi ro dẫn đến quản lý đất đai ở Việt Nam cũng cho thấy, chuỗi quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều hạn chế đã tạo điều kiện cho tham nhũng xảy ra. Từ khâu phổ biến thông tin, nộp đơn xin cấp và các giấy tờ liên quan cho đến đánh giá hồ sơ, phê duyệt và giao giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
Thông tin về các thủ tục được cho là còn hạn chế và khó hiểu. Dù khung pháp lý tổng thể về tính minh bạch của các thủ tục cấp Giấy chứng nhận khá chặt chẽ, nhưng không phải tất cả chính quyền địa phương đều thực thi các điều khoản pháp lý. 34% những người được hỏi nghĩ rằng các thủ tục cấp giấy chứng nhận chưa được công khai hoặc chỉ công khai nửa vời.
Tại một số địa phương người dân cho biết họ khó tiếp cận thông tin và ít được tư vấn về thủ tục cấp Giấy chứng nhận, dẫn đến khó khăn trong việc xác định và kê khai các giấy tờ cần thiết. Tình trạng này bị một số cán bộ địa chính lợi dụng gây khó dễ cho những người dân ít hiểu biết về các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận.
Kết quả khảo sát cấp tỉnh của Bản Báo cáo trên cũng chỉ ra ba hành thức tham nhũng gắn với hạn chế tiếp cận thông tin về các thủ tục và quy định về cấp giấy chứng nhận đó là: các quan chức đặt ra những yêu cầu trái pháp luật mà người nộp đơn không biết và buộc phải hối lộ; người nộp đơn cảm thấy lo lắng và phải nhờ đến trung gian không chính thức giúp đỡ; người nộp đơn trả phí không đúng quy định để các cán bộ giúp đỡ.
Bên cạnh việc tiếp cận thông tin thủ tục còn hạn chế, người dân còn phải đối mặt với việc công chức viên chức địa chính gây khó khăn trong việc chấp nhận đơn xin cấp Giấy chứng nhận. Việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp thường rất phức tạp và người xin cấp phải đi lại nhiều lần. Khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn có nhiều trường hợp phải trả thêm tiền để có thể hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận.
Thậm chí có địa phương một số công chức, viên chức địa chính hầu hết ở cấp xã có xu hướng đòi thêm giấy tờ mà pháp luật không yêu cầu, như giấy chứng nhận kết hôn và trích lục bản đồ địa chính.
Vì vậy, để hạn chế tình trạng tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận, các chuyên gia của báo cáo cho rằng, cần phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, loại bỏ sự phức tạp và không rõ ràng có thể dẫn đến tham nhũng.
Bên cạnh đó triển khai rộng một số phương pháp tiếp cận tiên tiến có thể giảm nguy cơ phải trả tiền "bôi trơn", chẳng hạn như việc cung cấp thủ tục nhanh gọn, chính thức cho những người sẵn sàng trả tiền để được phục vụ nhanh hơn./.