New Document
Mạnh tay hơn với các DN vi phạm
Ông Hoàng Văn Thức, Chánh Văn phòng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 45 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để, theo tiến độ được phê duyệt tại địa bàn 10 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, Bộ đã tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với 24 cơ sở với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng.
Trong thời gian còn lại của năm 2014, Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Sơn La và Yên Bái.
Ông Thức nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ thực hiện những biện pháp mạnh tay hơn đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, có thể đóng cửa các DN tiếp tục vi phạm. Cụ thể, đối với hai doanh nghiệp chế biến đường đó là Nhà máy Mía Đường Trà Vinh và Nhà máy mía đường Cà Mau, qua các năm mà Bộ TN&MT thực hiện thanh tra, kiểm tra chưa có động thái gì để giảm thiểu ô nhiễm. Theo đó, nếu tới hết ngày 30/6/2015 nếu không có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường sẽ chính thức bị đóng cửa.
Năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Thực hiện Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 381 dự án xử lý ô nhiễm triệt để trên địa bàn 48 tỉnh và 4 bộ (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải) từ ngân sách Trung ương nguồn sự nghiệp môi trường, với tổng kinh phí là hơn 2.368,9 tỷ đồng.
Ông Thức cũng cho biết, một số địa phương cũng đã chủ động bố trí kinh phí xử lý ô nhiễm triệt để đối với các cơ sở thuộc khu vực công ích. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay đã có 38 dự án xử lý ô nhiễm triệt để thuộc khu vực công ích trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được đầu tư 100% kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương, với tổng số tiền là hơn 93,8 tỷ đồng; tổng số kinh phí các địa phương đã đối ứng để thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm triệt để được hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách trung ương là hơn 302,8 tỷ đồng.
Việc hỗ trợ này tập trung vào việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại các cơ sở y tế, bệnh viện; cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, đã góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở này, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, hiện nay còn có 138 cơ sở thuộc khu vực công ích chưa có kinh phí để triển khai thực hiện, ước tính số kinh phí để xử lý số cơ sở này khoảng 3.200 tỷ đồng. Số kinh phí này bên cạnh việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thì các bộ, ngành, địa phương cần có các chính sách linh hoạt để huy động kinh phí từ các nguồn khác.
Báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh việc các địa phương tích cực xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án xử lý ô nhiễm môi trường triệt để tại các cơ sở thuộc khu vực công ích để chủ động bố trí kinh phí triển khai thực hiện, cũng như đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận kinh phí từ ngân sách trung ương, việc triển khai thực hiện các dự án còn một số tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, dẫn đến nhiều cơ sở đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng chưa được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến khẳng định, sau hơn 1 năm triển khai theo quyết định 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có 23% cở sở được đưa ra khỏi diện ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu tới năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong công tác xử lý điều hành.
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cũng đề nghị, ban chỉ đạo các tỉnh, thành trung ương cần quan tâm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và coi đó là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội./.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đến nay đã có 384/439 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 87,47%.
Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (trong đó không bao gồm 43 cơ sở còn tồn đọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg), tới nay đã có 101/435 cơ sở cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 23,22%); 87 cơ sở đã quá thời hạn xử lý ô nhiễm triệt để theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (có thời hạn xử lý trong năm 2013).
|