Phát biểu trước Quốc hội Indonesia, ngày 20/1, ông Jonan cho biết, những dữ liệu thu thập được trên màn hình radar cho thấy chiếc máy bay Airbus A320 đã bay lên cao với tốc độ 6.000 feet (1.800 mét)/phút trước khi biến mất khỏi màn hình radar hôm 28/12/2014.
Bộ trưởng Giao thông Indonesia cho rằng, việc một chiếc máy bay đột ngột bay lên độ cao như vậy là điều “không bình thường” và rất hiếm khi xảy ra đối với các máy bay thương mại – vốn thường chỉ tăng độ cao từ 1.000 – 2.000 feet mỗi phút.
“Điều này chỉ có thể được thực hiện bởi một chiếc máy bay chiến đấu” – ông Jonan nói, đồng thời cho biết thêm rằng, ngay sau thời điểm tăng độ cao, chiếc máy bay QZ8501 đã lao thẳng xuống biển và biến mất khỏi màn hình radar.
Tuy nhiên, cho tới nay, một chi tiết gây “nhiều thắc mắc” liên quan tới những thông tin do ông Jonan đưa ra ngày 20/1 là “nguyên nhân nào khiến cho QZ8501 phải tăng độ cao một cách bất thường như vậy” vẫn còn chưa được giải đáp.
Ông Jonan cho biết, trong lần liên lạc cuối cùng với trạm kiểm soát không lưu trước khi gặp nạn hôm 28/12/2014, các phi công trên chuyến bay QZ8501 đã yêu cầu được tăng từ độ cao 32.000 feet lên 38.000 feet để tránh mây xấu. Tuy nhiên, trạm kiểm soát không lưu đã từ chối yêu cầu này của QZ8501 do mật độ lưu thông dày đặc của các máy bay trên không. Chỉ sau đó 4 phút, QZ8501 đã đột ngột biến mất và không hề phát đi bất kỳ tín hiệu kêu cứu nào.
Trên thực tế, trong lịch sử hàng không đã từng xảy ra vụ tai nạn xuất phát từ nguyên nhân tương tự khi chiếc máy bay Airbus A330 của hãng hàng không Air France đã đột ngột biến mất trên vùng biển Đại Tây Dương trong điều kiện thời tiết xấu, khi đang trong hành trình từ Rio de Janeiro tới Paris vào năm 2009. Kết quả phân tích dữ liệu hộp đen của chiếc Airbus A330 vào thời điểm đó cho thấy, chiếc máy bay đã tăng độ cao, sau đó mất điều khiển và bắt đầu rơi trong tình trạng phi công không thể thay đổi được tình huống.
Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra ngày 20/1, một phát ngôn viên của Airbus, ông Justin Dubon khẳng định, hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra bình luận về “sự trùng hợp” giữa hai vụ tai nạn máy bay xảy ra năm 2009 và 2014.
Cũng trong ngày 20/1, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia (NTSC) – cơ quan chịu trách nhiệm điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay QZ8501 cho biết bản báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn sẽ được công bố vào ngày 28/1 tới.
Bên cạnh đó, các điều tra viên của NTSC cũng cho biết, sau khi loại trừ hai giả thuyết dẫn tới vụ rơi máy bay QZ8501 xuất phát từ nguyên nhân bị tấn công khủng bố hay phi công tự tử, các lực lượng chức năng đang bắt đầu xem xét tới các nguyên nhân khác dẫn tới vụ tai nạn cách đây 3 tuần khiến 162 người thiệt mạng./.