Nhiều câu trả lời vẫn thiếu thông tin
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc những cây xanh đã chặt thì đưa về đâu, đã bán chưa, bán bao nhiêu tiền, những cây trồng mới thì mua ở đâu, giá bao nhiêu một cây? Sở Xây dựng Hà Nội đã trả lời khá chung chung: "Các cây xanh còn đủ điều kiện sẽ được chuyển về vườn ươm để chăm sóc và sau đó được trồng ở các công viên, vườn hoa. Số lượng gỗ, củi đã chặt hạ được kiểm đếm, xác định khối lượng và tập kết tại kho của các đơn vị".
Tuy nhiên tập kết ở đâu, ươm cây ở vườn ươm nào thì Sở Xây dựng lại không trả lời.
Về câu hỏi cây trồng mới thì mua ở đâu, giá bao nhiêu một cây? Công văn trả lời của Sở Xây dựng cũng không trả lời thẳng câu hỏi này mà chỉ ghi: “Các cây thay thế do các đơn vị ủng hộ, hỗ trợ được thực hiện thông qua việc thuê các đơn vị chuyên ngành thực hiện, giá cây xanh do các đơn vị hỗ trợ tự quyết định mua hoặc ủng hộ cây. Các cây này đều được Sở Xây dựng nghiệm thu sau khi trồng, các đơn vị đều thống nhất với Sở Xây dựng đảm bảo cây sống mới hết trách nhiệm. Việc thanh quyết toán thực hiện theo các quy định hiện hành".
Trả lời câu hỏi của PV liên quan đến việc chặt hạ cây, Thành phố đã đánh giá tác động môi trường về việc chặt cây, đánh giá tác động cảnh quan đô thị, đánh giá tác động phản ánh của dư luận chưa? Cho đến thời điểm này đã chặt hạ, trồng được bao nhiêu cây, kinh phí bao nhiêu?
Sở Xây dựng cho biết: Việc lập và triển khai Đề án cải tạo thay thế cây xanh các tuyến phố vừa qua là căn cứ vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch chuyên ngành về cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước.
Đồng thời, Sở Xây dựng khẳng định: Các quy hoạch này đã được thực hiện theo đúng quy định, trình tự, thủ tục, trong đó có đánh giá tác động môi trường, tác động cảnh quan, lấy ý kiến của cộng đồng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học chuyên ngành. Đồng thời sau khi quy hoạch được phê duyệt đã thông tin công khai minh bạch theo quy định. Việc duy trì, cải tạo và thay thế cây xanh đường phố theo quy hoạch là công việc thường xuyên hàng năm được thực hiện theo quy định.
Nhà tài trợ đã được minh oan!
Trả lời câu hỏi của PV rằng: Có ý kiến cho rằng các DN đứng sau việc chặt cây, vậy TP khẳng định có phải thế không hay là chủ trương của TP, DN chỉ hỗ trợ? Số lượng cây chặt lớn, gỗ lớn sau khi bán gỗ đi thì mục đích sử dụng là gì?
Theo Sở Xây dựng, hưởng ứng việc xã hội hóa công tác cải tạo, thay thế cây xanh của TP, các DN đã tự nguyện ủng hộ, hỗ trợ TP trong việc trồng mới cây xanh trên một số tuyến đường.
"Dư luận cho rằng có việc DN đứng sau việc chặt cây vừa qua là không đúng", Công văn trả lời của Sở Xây dựng Hà Nội nêu rõ. Điều này cũng có thể đã giải thích cho ý kiến trước đó từng thông tin rằng, việc chặt cây vội vã vừa qua có sức ép từ nhà tài trợ!?
Công văn trả lời của Sở Xây dựng Hà Nội còn cho rằng: "Số tiền lên đến hàng trăm tỷ sau khi bán gỗ là không có cơ sở. Toàn bộ số gỗ, củi thu được hiện đang tập kết tại kho của các đơn vị. Hiện chưa bán, toàn bộ số tiền thu được sau khi đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định".
Về trả lời câu hỏi đã chặt hạ bao nhiêu cây, trồng được bao nhiêu cây, kinh phí bao nhiêu? Sở Xây dựng đã trả lời rất chung chung và cho rằng kinh phí trồng mới do các đơn vị xã hội hóa ủng hộ, hỗ trợ, hiện chưa thanh quyết toán.
“Từ tháng 11/2014 đến đầu năm 2015, TP đã và đang triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên 8 tuyến phố, trong đó: di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông; trồng thay thế và bổ sung 489 cây”, Sở Xây dựng cho biết.
Trả lời câu hỏi của PV về việc đơn vị cung ứng cây là đơn vị nào, có tin cậy không? Sở Xây dựng tiếp tục không trả lời vào trọng tâm câu hỏi mà PV nêu ra, mà chỉ nói chung chung rằng các đơn vị cung ứng cây là các đơn vị có loài cây phù hợp với quy định của TP về chủng loại, chất lượng cây. Sở Xây dựng có trách nhiệm nghiệm thu đảm bảo theo đúng quy định.
Sở Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện nay có các đơn vị tham gia xã hội hóa công tác cải tạo, thay thế cây xanh của TP gồm: Tập đoàn Vincom, Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank), Công ty cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, Công ty Công viên cây xanh, Công an Thành phố Hà Nội… và một số tổ chức, cá nhân khác cùng tham gia tài trợ. |