Thông tin được ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2015 của Bộ Tài chính, sáng 7/4.
Đến hẹn lại... tắc
Như thông lệ, cứ đến tháng 3, 4 hằng năm, vào dịp thanh minh, phía Trung Quốc nhập nhiều hoa quả tươi. Cũng dịp này rộ lên mùa thu hoạch thanh long và dưa hấu. Theo tính toán của cơ quan hải quan, lượng dưa hấu và thanh long đưa về cửa khẩu Tân Thanh năm nay tăng lên từ 10- 15% so với năm 2014, vì thế số lượng xe tập trung về cửa khẩu Tân Thanh rất nhiều.
"Mỗi ngày hải quan cửa khẩu Tân Thanh làm thủ tục cho khoảng 300 - 350 xe, nhưng số lượng xe tại cửa khẩu Tân Thanh là khoảng 800 xe. Như vậy còn tồn lại khoảng 400 xe" - ông Nguyễn Dương Thái cho biết, .
Theo nhận định của ông Thái, có 3 nguyên nhân dẫn đến việc ùn tắc hoa quả tại cửa khẩu Tân Thanh: Thứ nhất, là do hàng thanh long và dưa hấu xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh là hàng tiểu ngạch, không có hợp đồng thương mại giữa người mua và người bán, dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá, hoặc có những xe hàng không xuất khẩu được, phải hủy tại cửa khẩu.
 |
Xe chở dưa hấu ùn tắc kéo dài tại khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: TL |
Thứ hai, do xuất tiểu ngạch nên năng lực bốc dỡ, xứ lý hàng từ phía thương lái Trung Quốc rất hạn chế. “Việc xuất khẩu hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực xử lý của các thương lái Trung Quốc, chứ không phụ thuộc vào cơ quan hải quan của Việt Nam. Khi xe của ta qua cửa khẩu Tân Thanh sang chợ Pò Chài (Trung Quốc), các thương lái lựa rất kỹ, họ lau chùi và đóng vào thùng carton (mỗi thùng 4- 6 quả). Thời gian xử lý cho một xe là 2- 3 giờ, vì thế mỗi ngày chỉ xử lý khoảng 200 - 300 xe” - ông Thái nói.
Thứ 3, đây là dịp dưa hấu và thanh long vào mùa thu hoạch, trong khi tiêu thụ nội địa thấp, chưa có công nghệ chế biến để xuất khẩu. Trong khi đó phía Trung Quốc chỉ nhập hoa quả Việt Nam tại chợ Pò Chài mà không nhập hàng từ các cửa khẩu nào khác. Vì thế, thương nhân Việt Nam muốn xuất qua các cửa khẩu khác tại biên giới phía bắc cũng không được, cho nên đã dẫn đến ùn ứ tại đây.
Cần những giải pháp căn cơ
|
|
 |
Đề nghị phát triển cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu Tân Thanh rộng hơn, tốt hơn để có thể bảo quản được hoa quả tại chính khu vực cửa khẩu |
 |
 |
Ông Nguyễn Dương Thái. |
|
|
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, lãnh đạo hải quan cửa khẩu và bộ đội biên phòng đã phải kéo dài thời gian làm việc từ 7h - 20h. “Chúng tôi đã yêu cầu cán bộ hải quan tại cửa khẩu Tân Thanh phải làm việc đến khi nào phía Trung Quốc không nhận hàng nữa mới thôi”.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, chính quyền địa phương, mà cụ thể là UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã dự báo trước được tình huống ùn tắc trên đây, nên từ ngày 12/2 đã thành lập Tổ công tác liên ngành, bao gồm: lực lượng công thương, giao thông vận tải, biên phòng, công an, hải quan, Ban quản lý Khu cửa khẩu Tân Thanh để điều hành xuất khẩu tại đây.
“Ban quản lý Khu cửa khẩu Tân Thanh có trách nhiệm quản lý, điều phối toàn bộ hoạt động xuất khẩu. Vì thế hiện nay, tồn đọng thì có nhưng không xảy ra tình trạng mất trật tự. Toàn bộ xe chờ xuất được lực lượng điều phối bố trí đỗ từ ga Đồng Đăng, dọc quốc lộ 4A lên đến cửa khẩu Tân Thanh. Khi nào tại cửa khẩu tiếp nhận được mới cho xe vào, vì thế không có chuyện lộn xộn” - ông Thái cho biết.
Mặc dù những giải pháp trên đây chỉ mang tính tình thế, nhưng đã phần nào hạn chế được tình trạng lộn xộn, bảo an ninh trật tự về người, hàng hóa tại cửa khẩu. Nhưng để giải quyết triệt để vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, cần phải có những giải pháp căn cơ hơn.
“Tổng cục Hải quan đã kiến nghị với các bộ, ngành liên quan phải nghiên cứu một cách dài hơi, có quy hoạch các vùng trồng rau quả một cách hợp lý; có sự điều phối theo nhu cầu nhập khẩu từ phía Trung Quốc, không thể để tình trạng tự phát như hiện nay. Cũng phải tính đến công nghiệp chế biến hoa quả, phát triển cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu Tân Thanh rộng hơn, tốt hơn để có thể bảo quản được hoa quả tại chính khu vực cửa khẩu” - ông Thái đề nghị./.