Đây là những vấn đề đáng chú ý tại phiên họp ngày 16/4 của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật tổ chức CQĐP.
Giảm tính hình thức của HĐND
Một vấn đề quan trọng được nêu ra là mô hình, hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, hoạt động của HĐND hiện nay còn hình thức, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, cần có những quy định để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.
Hiện tại, dự thảo Luật đã tiếp thu và chỉnh lý nhiều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND theo hướng: HĐND tập trung quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương như ngân sách, nhân sự, quy hoạch, kế hoạch, biện pháp phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội và tập trung vào việc giám sát hoạt động của UBND.
Số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được tăng lên ít nhất là 20% với cấp tỉnh và 15% với cấp huyện. Số lượng phó chủ tịch HĐND các cấp được quy định là 2 với cấp tỉnh và 1 với cấp huyện và cấp xã; quy định cụ thể việc phê chuẩn đối với việc bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; quy định cụ thể lĩnh vực phụ trách và trách nhiệm các Ban của HĐND; khẳng định Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban của HĐND là đại biểu hoạt động chuyên trách.
Một phương án được nhắc đến nhiều trong quá trình xây dựng luật là việc bỏ HĐND quận, phường. Sau quá trình thí điểm, tiếp thu, lấy ý kiến, dự thảo Luật đang xây dựng theo hướng giữ nguyên mô hình HĐND các cấp. Cho ý kiến về vấn đề này, các đại biểu vẫn còn những ý kiến khác nhau.
Đại biểu Danh Út, đại biểu Phạm Ngọc Tuấn ủng hộ phương án giữ nguyên với lý do để đảm bảo thống nhất, ổn định mô hình tổ chức CQĐP, không làm xáo trộn bộ máy chính quyền. “Bỏ HĐND không mang lại lợi ích gì cho quốc gia, cho người dân”, đại biểu Phạm Ngọc Tuấn nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, trong 2 phương án đưa ra, chưa thấy phương án nào hoàn hảo. “Không thể cho rằng lựa chọn theo phương án 2 là bỏ HĐND quận, phường thì bộ máy tinh gọn hơn và phát huy được hiệu quả. Nếu lựa chọn phương án 1 là giữ nguyên mô hình cũng không khẳng định được là sẽ phát huy hiệu quả, bởi hiện nay hoạt động của HĐND nhất là cấp huyện, xã còn mang tính hình thức nhiều”, đại biểu phân tích.
Tìm ra giới hạn của sự thay đổi
Là người đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết qua các lần góp ý cho dự thảo luật về tổ chức Chính phủ và tổ chức CQĐP, hôm nay đại biểu Trần Du Lịch tiếp tục khẳng định lại quan điểm của mình, "mặc dù có thể đã muộn”.
Đánh giá cao nỗ lực hoàn thiện dự thảo lần này, đại biểu chia sẻ về những điểm khó khăn của quá trình xây dựng luật. Theo đại biểu, chúng ta muốn đổi mới thì phải thay đổi. Điều cần thiết là tìm cho được giới hạn thay đổi mà không gây nguy hại, gây xáo trộn quá lớn, nhưng vẫn đổi mới được.
Đánh giá chung, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh 3 dự án luật đang được thảo luận (Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức CQĐP, Luật NSNN) phải giải quyết những vấn đề lớn tồn tại trong nền hành chính quốc gia.
Thứ nhất là tình trạng chồng chéo chức năng trong bộ máy nhiệm vụ hiện nay, không rõ ràng giữa trung ương và địa phương. Điều này làm cản trở việc tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả, tăng lương…
Thứ hai, làm rõ được hai chức năng của CQĐP, một là thực thi việc quản lý nhà nước, hai là đại diện cho nhân dân.
Thứ ba, HĐND phải có thực quyền, có dư địa để quyết định. Từ đó, bảo vệ được quyền lợi của nhân dân, tránh tình trạng hình thức hiện nay.
Cuối cùng là làm sao có chính quyền trung ương phải mạnh, nhưng vẫn dành được dư địa cho địa phương quyết, chính quyền trung ương chỉ kiểm tra, giám sát.
Theo đại biểu, những vấn đề này đều được đặt ra trong luật nhưng “mỗi thứ một ít, chung chung, không giải quyết được gì”. Các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương đã được thể hiện ở điều 11 nhưng mới chỉ là nguyên tắc, việc phân quyền, uỷ quyền, phân cấp thế nào chưa rõ, cần phải được cụ thể hóa.
“Chúng ta bàn chuyện bỏ hay giữ HĐND, nhưng nếu cứ giữ hiện trạng cơ cấu bộ máy chính quyền như hiện nay thì bỏ cũng không để làm gì, vì HĐND chỉ để cho vui”, đại biểu Trần Du Lịch nói. /.