Chiều nay (20/5), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi).
Tập trung giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho biết, UBTP tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, mục tiêu sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Bộ Luật Hình sự (BLHS) cũng như cơ bản tán thành với các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án BLHS.
|
|
 |
Để bảo đảm tính khả thi, trước mắt chỉ nên quy định cho phép chuyển đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù. |
 |
|
Ông Nguyễn Văn Hiện
|
|
|
Tuy nhiên, UBTP cho rằng, việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật lần này trước hết, cần tập trung giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được làm rõ trong quá trình tổng kết thực tiễn thi hành BLHS. Theo đó, chỉ bổ sung những vấn đề mới khi thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước.
Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, UBTP cho rằng, việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là nội dung đã được Quốc hội thảo luận nhiều lần, vì vậy cần được cân nhắc kỹ.
Những vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, mà không phải do thiếu cơ sở pháp lý, căn cứ quy định hiện hành, vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân.
Hơn nữa, nếu đặt ra vấn đề xử lý TNHS đối với các pháp nhân là tổ chức kinh tế và chỉ trong một số loại tội như dự thảo, thì sẽ không bảo đảm tính công bằng với các loại hình pháp nhân khác cũng có vi phạm tương tự.
Không tán thành việc chuyển hình phạt tiền thành phạt tù
Về việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án, đa số ý kiến UBTP không tán thành. Vì rằng, quy định này không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, cơ chế, tỷ lệ chuyển từ hình phạt tiền thành hình phạt tù như dự thảo chưa bảo đảm sự thống nhất và tính hợp lý, sẽ khó bảo đảm tính công bằng.
Bên cạnh đó, “có ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, trước mắt chỉ nên quy định cho phép chuyển đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho hay.
Cùng với đó, việc mở rộng áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ nói riêng là chủ trương lớn trong chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước; tuy nhiên, quy định hình phạt tiền cần có sự cân nhắc đối với từng nhóm tội cụ thể, cũng như bảo đảm sự cân đối với các hình phạt lựa chọn khác trong cùng một khung hình phạt, tránh tạo ra kẽ hở dẫn đến tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật.
Trong khi đó, Dự thảo có nhiều điều luật quy định về hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ (hình phạt lựa chọn), nhưng không có sự tương quan thống nhất giữa các hình phạt cũng như tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Do vậy, “đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để quy định hợp lý hơn”, Chủ nhiệm UBTP đề xuất.
Đối chiếu với Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật với dự thảo BLHS thì nhiều hành vi vi phạm vừa có quy định phạt tiền trong xử lý hành chính, vừa quy định hình phạt tiền trong BLHS. UBTP cho rằng, trong các trường hợp này, nếu xác định hình phạt tiền là hình phạt chính thì mức phạt tiền (về hình sự) phải có mức tối đa cao hơn so với chế tài xử lý hành chính. Trong dự thảo BLHS, một số tội danh quy định không theo nguyên tắc này, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại./.