Đại biểu Đinh Xuân Thảo (TP.Hà Nội) đã nêu ý kiến này trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề phiên họp chiều 20/5, liên quan đến việc Quốc hội xem xét việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga, đoàn TP. Hà Nội.
* Xin ông cho biết cụ thể hơn về lý do Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga?
- Việc liên quan đến đại biểu Nga hiện cơ quan tố tụng đang điều tra, chưa xét xử. Vì vậy, theo quy định của Hiến pháp 2013, Điều 31 về suy đoán vô tội, trong trường hợp này là người bị buộc tội chưa được coi là có tội cho đến khi bản án có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra của TP. Hà Nội, thành uỷ đã có thông báo chính thức về những sai phạm của bà Nga do một số cử tri, nhân dân nêu là đúng. Dự án mà bà Nga thực hiện (B5 Cầu Diễn) mới chỉ có chủ trương để xây nhà tái định cư 13 tầng nhưng bà Nga đã lập thành dự án nhà thương mại với 33 tầng và đã rao bán hết. Số người nộp tiền (theo đơn của nhóm người bị hại) là 1.036 người, số tiền đã thu là hơn 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án không được triển khai như đã định, bà Nga đã dùng một phần tiền đầu tư vào nhiều dự án khác như dự án Hà Đông, Tây Hồ Tây. Đến nay, không dự án nào có sản phẩm để có thể giao nhà như thoả thuận.
* Vụ việc được phát hiện từ khi nào và việc xét bãi nhiệm dựa vào quy định nào, thưa ông?
- Từ năm 2013 đã có nhiều đơn gửi đến các đại biểu Quốc hội. Ban công tác đại biểu, đoàn TP. Hà Nội đã mời bà Nga đến làm việc. Bà Nga hứa sẽ khắc phục, nhưng đến nay, bà Nga thừa nhận đã mất khả năng chi trả. Dựa trên thực tế của vụ việc, rõ ràng đây là hành vi lừa đảo, nên việc truy tố trách nhiệm hình sự về tội danh này là có cơ sở.
|
|
 |
Trường hợp bà Nga, trong đoàn đại biểu Hà Nội cũng có ý kiến cho biết, trong quá trình vận động bầu cử có những biểu hiện hơi lạm dụng, không bình đẳng như các đại biểu khác. |
 |
|
Đại biểu Đinh Xuân Thảo
|
|
|
Tuy nhiên việc xét để bãi nhiệm ở đây không căn cứ vào kết quả xét xử. Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định, trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội, hay xét xử có án, thì đương nhiên không cần thủ tục, coi như mất tư cách đại biểu.
Còn đây là trường hợp rơi vào điều khoản không còn đủ tín nhiệm với nhân dân, với cử tri. Một doanh nhân là đại biểu Quốc hội càng phải gương mẫu, chứ không phải lợi dụng danh nghĩa đại biểu.
Nhiều người bị hại gửi đơn đến chúng tôi nói, do họ tin tưởng người đã được tổ chức lựa chọn, trở thành đại biểu Quốc hội nên mới trao gửi tài sản với hy vọng có nhà để ở, nay lại mất trắng.
* Tại sao vụ việc liên quan đến đại biểu Nga đã kéo dài mấy năm nay mới được đưa ra, thưa ông?
- Đoàn đại biểu TP. Hà Nội đã mời bà Nga đến làm việc nhiều lần. Bà Nga thừa nhận nhưng cho biết đang cố gắng triển khai và hứa với người nộp tiền, với cơ quan có trách nhiệm rằng đến cuối năm 2014, nếu không triển khai được thì sẽ trả lại vốn đóng góp theo lãi suất ngân hàng.
Vì vậy, vụ việc chưa được xử lý ngay. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vào cuộc thì thấy rằng bà Nga đã mất khả năng thanh toán, không thực hiện được cam kết và có dấu hiệu lẩn tránh, thì lúc đó vấn đề mới được đặt ra.
* Theo ông, việc hai đại biểu nữ bị bãi nhiệm trong khoá này đặt ra vấn đề gì cho quy trình bầu cử, cho Quốc hội?
- Vấn đề là chúng ta phải hết sức thận trọng. Như trường hợp bà Nga, trong đoàn đại biểu Hà Nội cũng có ý kiến cho biết, trong quá trình vận động bầu cử có những biểu hiện hơi lạm dụng, không bình đẳng như các đại biểu khác. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, đại biểu này đều có những chi tiết thiếu trung thực trong lý lịch. Bà Nga khi ra ứng cử chưa là tiến sĩ nhưng đã khai là tiến sĩ. Điều này cho thấy, trong giai đoạn xem xét, lựa chọn, đề cử chưa thật kỹ. Nếu ngay từ đầu, thấy có biểu hiện không trung thực chúng ta gạt ra luôn thì sẽ ngăn chặn những việc sau này.
* Vậy là việc kiểm tra tư cách đại biểu Quốc hội cũng còn bất cập phải không, thưa ông?
- Đúng vậy, việc kiểm tra còn chưa thật kỹ. Để nâng cao chất lượng đại biểu chúng ta phải coi trọng vấn đề tiêu chuẩn. Tuy vậy, tiêu chuẩn định tính chung chung thì dễ, nhưng định lượng cụ thể là rất khó để xem xét.
Nếu không có chuyện này xảy ra, hồ sơ của đại biểu Nga là “rất đẹp” với hàng chục chức danh. Đây cũng là trách nhiệm của cơ quan xác minh lý lịch, xác minh phẩm chất dạo đức, phải làm kỹ hơn.
* Với việc khuyết đi 5 đại biểu trong khoá này, chúng ta có tính đến việc bầu bổ sung không, thưa ông?
- Hiện nay chưa có quy định nào về khuyết đại biểu nhiều hay ít. Xét về tính đại diện, nếu khuyết mà không bầu lại thì cũng làm mất quyền lợi của cử tri nơi đại biểu được bầu. Đây cũng là vấn đề cần được xem xét khi thông qua Luật bầu cử Quốc hội.
* Xin cảm ơn ông!