Tự thấy mình chưa nắm bắt đầy đủ thực tế khi bấm nút thông qua Điều 60...
Đây là ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) tại phiên thảo luận khi đánh giá về điều 60, Luật BHXH 2014. Bà thừa nhận, sau khi xuống tìm hiểu thực tế đời sống công nhân tại nhiều khu công nghiệp, "tôi thấy mình đã nắm bắt thực tế chưa đầy đủ khi bấm nút thông qua Điều 60". Mức thu nhập hiện nay của đa số công nhân không đủ chi phí để tái tạo sức lao động, vì vậy có thể hiểu vì sao họ phản ứng với quy định mới.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, người lao động có lý do để yêu cầu Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi điều 60 theo hướng linh hoạt hơn, tôn trọng quyền lựa chọn của họ.“Cứ nghĩ mình làm luật như vậy là tốt, là có lợi cho người lao động, nhưng trong những hoàn cảnh cụ thể, mới thấy điều 60 là còn thiếu thực tiễn”, bà Tâm nói.
Từ đánh giá này, ĐB đề nghị nên sửa điều 60 theo hướng bổ sung một khoản, đó là để NLĐ có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hay bảo lưu để hưởng lương hưu ngay trong kỳ họp này. Còn nếu chưa sửa được điều 60 thì QH nên có Nghị quyết riêng cho phép tiếp tục thực hiện điểm c khoản 1 Điều 55 Luật BHXH năm 2006 (sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội) cho đến khi sửa luật BHXH năm 2014.
Chỉ nên coi là tình huống và sửa tình huống
Tuy nhiên, nhiều ĐB phát biểu tại hội trường lại có quan điểm khác. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, theo Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra và tất cả các ý kiến của ĐB đều cho rằng, Điều 60 thể hiện tính nhân văn và phù hợp với lộ trình. Xét về quy trình làm luật cũng rất đúng. "Vậy một điều luật đúng tại sao lại nhanh chóng sửa đổi như vậy?", ĐB đặt câu hỏi.
Theo ĐB Học, sự phản ứng vừa qua chỉ là của một bộ phận công nhân. Nếu chỉ vì một bộ phận này mà sửa đổi thì chưa thuyết phục. Vì thế, Quốc hội phải lắng nghe cho thấu đáo, không nên sửa đổi một Luật chưa được ban hành mà chỉ coi đó là một tình huống và sửa đổi tình huống này.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cũng đưa ra ý kiến, phải định hướng cho NLĐ để họ hiểu hơn vì tính nhân văn của điều luật, đừng để họ nghĩ đến cái lợi trước mắt, mà quên đi lợi ích lâu dài. Do đó, cần phải tuyên truyền để họ hiểu hơn. ”NLĐ phản ứng là vì người ta chưa hiểu, do đó ta nên tăng cường giải thích, tuyên truyền cho họ”, ĐB Châu đề nghị.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, nhìn chung các ĐB đều cho rằng điều 60 là một điều luật nhân văn, tiến bộ và thực hiện được mục tiêu bảo đảm chính sách an sinh xã hội lâu dài. Nhưng bên cạnh đó, một số ĐBQH cũng thấy rằng cần tôn trọng quyền lựa chọn của NLĐ là chọn bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội của NLĐ.
Trước ý kiến của nhiều ĐB muốn Quốc hội có một Nghị quyết cho phép kéo dài điểm C, khoản 1, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 chậm đến một thời gian nào đó, rồi sau đó xem xét, đánh giá, lấy đầy đủ ý kiến thăm dò của NLĐ mới tính đến việc có sửa hay không sửa điều luật này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, Đoàn chủ tọa sẽ báo cáo Quốc hội để gửi phiếu thăm dò ý kiến đến các vị ĐB Quốc hội, sau đó sẽ xem xét, đánh giá theo đa số ý kiến chung./.