 |
Dòng chữ “Sale” luôn hút hồn chị em, như nam châm hút sắt. Ảnh minh họa
|
Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới của năm nay là “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm – Vì một trái đất bền vững” (Seven Billion Dreams. One Planet. Consume with Care). Ngay ở cái tên của chủ đề cũng đã cho thấy, để giữ gìn một môi trường tươi đẹp mà trong đó con người cùng vạn vật được che chở, bao bọc phát triển bền vững, thì mọi hành động của con người phải cần có ý thức trách nhiệm và phải biết chắt chiu, dành dụm.
Có người từng nhận xét khi luận bàn về chuyện lãng phí: Giữa lãng phí và tiết kiệm, ranh giới rất mong manh.
Trong thực tiễn của cuộc sống, cũng đã có rất nhiều các ví dụ làm minh chứng cho ý kiến này.
Một câu chuyện vừa diễn ra và vẫn đang diễn ra, đó là người tiêu dùng Việt liên tiếp phải “cứu” cà chua Đà Lạt, dưa hấu miền Trung, hành tím Vĩnh Châu…, và không biết còn tiếp tục phải “cứu” những gì nữa. Những “chiến dịch” diễn ra nơi này, nơi khác, nhưng cũng vẫn là biện pháp tình thế.
Bởi đã có không ít thông tin cho thấy, có những sản phẩm ở trên chỉ một phần nhỏ sản phẩm làm ra được đưa vào tiêu dùng, còn lại phải... đổ bỏ, hoặc bất đắc dĩ để cho trâu, bò ăn. Công lao dãi dầu sương gió của bà con nông dân “đổ xuống sông xuống biển”; đất đai và nước tưới tiêu – nguồn tài nguyên quý giá bị phí phạm; cộng thêm tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu… Và để vớt vát đưa thêm một lượng sản phẩm vào tiêu dùng, lại bao sức người, sức của bỏ ra…
Câu chuyện thứ hai còn xảy ra thường nhật hơn, đó là sở thích “mua hàng giảm giá” của các chị em vốn là người "giữ tay hòm chìa khóa" ngân quỹ gia đình. Dòng chữ “Sale 50%” luôn hút hồn chị em, như nam châm dính sắt. Và khi con số thay đổi thành 70%, thì có thể làm cho đầu óc chị em không còn đủ tỉnh táo nữa, chỉ còn lo xếp hàng hoặc chen nhau mua cho được “một mớ” váy áo dù chúng lỗi mốt, dù rất có thể mua về chỉ... bỏ xó.
Nhưng để làm ra được những sản phẩm này, công nghiệp dệt may đã xả ra môi trường lượng khói bụi, rác thải, nước thải… Và như thế, không chỉ chị em tốn tiền, mà sản phẩm của xã hội bị bỏ phí, lại là hành động vô tình tiếp tay gây ra ô nhiễm.
Một câu chuyện khác cũng thường xuất hiện hàng ngày, đó là sự lãng phí trong câu chuyện ăn. Gần đây tại các đô thị rất phổ biến các cửa hàng ăn tự chọn. Người ăn trả tiền cho bữa ăn và ăn gì, ăn bao nhiêu là tùy thích. Nhưng quan sát thì thấy rằng, có không ít người lấy cho mình rất nhiều, mà ăn không hết, vì vậy những món ăn thừa này đã phải bỏ đi. Sự lãng phí đó thật đáng buồn và xót xa...
Quay lại chủ đề “tiêu dùng có trách nhiệm”, chúng ta thấy, việc cần làm để giữ gìn môi trường sống đâu chỉ đơn giản là không xả rác ra đường hoặc quét dọn ngõ xóm nơi mình ở, mà cần phải suy nghĩ sâu rộng hơn và có những việc làm thiết thực hơn, trong đó tự bản thân mỗi người phải xây dựng cho mình một tư duy sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội và với môi trường sống quanh ta./.