Tranh thủ sự ủng hộ của truyền thông thế giới
Lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc cho cải tạo các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta, như Gia Ven, Gạc Ma, Cô lin.... thời gian gần đây, ĐB Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, hành động cải tạo các bãi đá ngầm không thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc, nghiêm trọng hơn là việc đem vũ khí hạng nặng ra những bãi đá này là hành động đi xâm chiếm, đòi hỏi sự lên án của thế giới.
“Trung Quốc phải có lòng tự trọng của một chính quyền nước lớn, phải biết xấu hổ khi đi xâm phạm chủ quyền của nước khác”, ĐB nói.
“Hành động này của Trung Quốc là ngang ngược, thách thức các cường quốc khác trên thế giới, là cố tình đặt các nước vào sự đã rồi để Trung Quốc thực hiện âm mưu xâm chiếm Biển Đông theo đường lưỡi bò”, ĐB nhấn mạnh.
Trước tình hình này, ĐB cho biết cử tri và người dân cả nước mong muốn Đảng, Chính phủ phải có những quyết sách đúng đắn, phù hợp hơn, có những hành động phản ứng mạnh mẽ hơn nữa, đề nghị Chính phủ tăng cường nhiều hơn các chuyến đi thăm của lãnh đạo nước ta tới các quốc gia trên thế giới.
Cụ thể hơn, ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên tổ chức các hội thảo, tích cực tuyên truyền về quyền chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên Biển Đông đối với Hoàng Sa, Trường Sa; tranh thủ sự tiếp sức của các cơ quan truyền thông thế giới, các nước trên thế giới để lên án hành động sai trái của Trung Quốc.
“Với những hành động này, tôi tin rằng cả thế giới sẽ không đứng ngoài cuộc trước một Trung Quốc chỉ biết lợi cho mình mà không tôn trọng quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia khác trong khu vực, trên thế giới”, ĐB khẳng định.
Gắn kết chặt chẽ kinh tế và quốc phòng trên vùng biển đảo
Đề xuất có chiến lược, giải pháp cụ thể hơn để ứng phó với những diễn biến mới tại biển Đông, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng, cần tiếp tục cân đối nguồn lực, bảo đảm ngân sách thích đáng để đầu tư toàn diện hệ thống tuyến đảo trọng yếu, tạo hệ thống liên lạc các đảo trên vùng biển Đông Nam. Khẩn trương hoàn thiện các đề án khu kinh tế kết hợp với quốc phòng ở các vùng trọng điểm biển đảo, như tăng cường xây dựng khu hậu cần nghề cá, thu mua hải sản của ngư dân, cung cấp xăng dầu vật tư y tế cho nhân dân các đảo.
Để vừa khai thác tốt hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu các cơ chế đặc thù để lựa chọn, thành lập các doanh nghiệp mạnh, tổ chức chỉ huy chặt chẽ để đánh cá trên biển với các trang bị tàu vỏ thép công suất lớn, từng bước xây dựng thế trận nhân dân trên biển đảo để cùng hải quân, cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền vùng biển nước ta; giao Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở các hải đoàn, hải quân của biên phòng tăng cường thêm một số nguồn lực, nhân lực, tổ chức hai đến ba đoàn tàu kinh tế kết hợp quốc phòng.
Kỳ vọng tuyên bố tương xứng của Quốc hội về biển Đông
Trao đổi với các phóng viên bên lề kỳ họp ngày 8/6, ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng: việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo là nghiêm trọng. Rất nhiều nước lớn đã lên tiếng, bày tỏ thái độ phản đối trước hành động thái quá của Trung Quốc. Chúng ta hoan nghênh sự ủng hộ của thế giới nhưng vẫn phải chủ động. Từ phía Quốc hội, là cơ quan nhà nước cao nhất đồng thời cũng là tiếng nói của người dân, ĐB bày tỏ hy vọng từ giờ đến cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ có tuyên bố chính thức, mạnh mẽ và tương xứng với tình hình Biển Đông hiện nay.
“Chính phủ có thể cân nhắc vì những sách lược trong ngoại giao rất tế nhị, dĩ bất biến ứng vạn biến, nhưng Quốc hội phải thể hiện lòng dân, Quốc hội nên có thái độ rõ ràng về biển Đông. Tôi sẽ lắng nghe và chờ đợi một động thái từ Quốc hội. Ngoại giao phải trên nền tảng nội trị. Làm sao cho dân hiểu, chia sẻ, tin tưởng và phải có thông tin đầy đủ, thậm chí trao đổi đầy đủ. Không cần nói quá, chỉ cần đúng mức, làm sao để nhận được sự đồng thuận của dân”, ĐB Dương Trung Quốc chia sẻ./.