Đánh giá chung của các ĐB đều cho rằng với nhiều nỗ lực, tình hình kinh tế năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 đã có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn, an sinh xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả này, nhiều khó khăn, hạn chế của nền kinh tế vẫn hiện hữu, chưa được khắc phục hiệu quả, cùng với quá trình hội nhập ngày một sâu rộng thời gian tới, thách thức đặt ra cho nền kinh tế sẽ ngày một lớn.
Bao giờ xử lý hết nợ xấu?
Đánh giá kinh tế phục hồi đáng kể, môi trường đầu tư chuyển biến tích cực, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị phải phân tích cụ thể, thực chất của việc phục hồi, đặc biệt về những bất cân xứng lớn của nền kinh tế để có giải pháp phù hợp.
Theo ĐB Nghĩa, chúng ta đang chủ yếu là ứng phó thụ động với tình huống suy thoái xảy ra mà chưa vận hành lành mạnh ổn định với những giải pháp chủ động, chưa thay đổi về chất lượng, nâng sức cạnh tranh. Sau hai năm tái cơ cấu, mô hình tăng trưởng cũ hầu như chưa có chuyển biến căn bản, sự phụ thuộc vào FDI ngày càng sâu sắc, DN nội địa gặp nhiều khó khăn trong khi khu vực FDI tiếp tục tăng trưởng nhanh. Cơ cấu xuất nhập khẩu còn tập trung vào hàng sơ chế, gia công, việc tham gia chuỗi giá trị rất hạn chế.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, việc xử lý nợ xấu hàng trăm nghìn tỷ qua VAMC mới chỉ là “bắt nhốt lại”, nợ xấu hầu như còn nguyên và trở thành gánh nặng nền kinh tế. Điều quan ngại là xử lý nợ xấu vẫn chưa theo nguyên tắc thị trường, qua 3 năm, số nợ xấu bán được chiếm tỷ lệ rất thấp.
“Theo đà này thì bao giờ chúng ta xử lý hết nợ xấu, đến bao giờ cả ngân hàng và DN giải phóng hết nợ xấu để khơi thông, phục hồi nền kinh tế?”, ĐB Nghĩa đặt câu hỏi.
Quan tâm đến những khó khăn của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá, mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuy nhiên việc triển khai đến nay vẫn còn lúng túng, đặc biệt trong tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ. Vì vậy, Chính phủ cần xác định ưu tiên hàng đầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp.
Trước mắt, ĐB Vinh đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong công tác dự báo thị trường, dự báo phân khúc thị trường để người dân và doanh nghiệp không phải loay hoay tìm đầu ra, khắc phục câu chuyện “được mùa, mất giá” lâu nay.
ĐB Trần Ngọc Vinh cũng cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ đúng đắn, kịp thời của Chính phủ về sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, nhà ở cho người thu thập thấp… được cử tri cả nước đánh giá cao, tuy nhiên việc triển khai còn chậm chạp, nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Vì vậy, cần tổng kết đánh giá thực trạng và có giải pháp cụ thể để các chính sách ưu việt đó đi vào cuộc sống.
Đề cập cụ thể hơn về vấn đề này, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi, gần như năm nào Chính phủ cũng bỏ tiền ra thu mua tạm trữ lúa gạo, nhưng chúng ta đã đánh giá hiệu quả tác động của giải pháp tình thế này đến đâu, tác động hiệu quả thế nào?
“Người dân đang ngóng chờ những cú huých về chính sách, về đầu tư thoả đáng của Nhà nước để tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, ĐB Đỗ Văn Đương cho biết.
Tham nhũng phức tạp, sao số vụ phát hiện, truy tố lại giảm
Nhấn mạnh về việc triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách đúng đắn, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng nhiều chủ trương của Chính phủ hợp lòng dân, nhưng chỉ vì triển khai chậm khiến người dân thiếu tin tưởng.
ĐB nêu một loạt ví dụ như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, là chủ trương đúng đắn, đúng thời điểm, được người dân kỳ vọng nhiều, nhưng đến nay mới giải ngân trên 20%; hay gói hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ cũng rất được ngư dân chờ đợi, nhưng theo báo cáo mới có 2 tàu đóng mới, giải ngân xong ở Huế và Bến Tre, gần đây nhất là thêm một vài trường hợp ở Ninh Thuận. “Vì sao chủ trương khi bàn thì nhận được sự ủng hộ cao, nhưng khi triển khai lại chậm thế?".
Hay như công tác phòng chống tham nhũng được cử tri rất quan tâm. ĐB trích dẫn báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, tội tham nhũng khởi tố giảm 28 vụ và 21,8% so với cùng kỳ. “Tình hình tham nhũng ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, nhưng tại sao điều tra, truy tố, xét xử lại giảm? Phải chăng chúng ta chưa chọc thủng bức mành che đậy hành vi tham nhũng để xử lý triệt để và quyết liệt?”, ĐB Nguyễn Thái Học nói.
Kết luận phần phát biểu, ĐB Nguyễn Thái Học chia sẻ: “Chúng ta thường nghe nói Chính phủ phải lắng nghe ý kiến của người dân... cử tri cũng cho rằng, Quốc hội, Chính phủ thảo luận rất hay, rất đúng, ra Nghị quyết rất trúng nhưng quá trình thực hiện thì nói chưa đi đối với làm. Cử tri đề nghị nói phải đi đôi với làm, phải làm như nói thì dân mới tin”./.