Triển khai Nghị định 67 không phải là quá chậm
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi: "Vì sao một chủ trương khi Quốc hội bàn và thống nhất thì nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân nhưng khi triển khai thực hiện thì chậm?"
Đại biểu Phùng Đức Tiên (Hà Nam) cho rằng, nguồn vốn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ chậm triển khai. Mặc dù Chính phủ rất quyết tâm trong chỉ đạo triển khai thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước rất nỗ lực, tuy nhiên đến nay chỉ mới có 2 tàu đóng mới và giải ngân xong, 1 tàu ở Bến Tre, 1 tàu ở Thừa Thiên - Huế.
Giải trình tại phiên thảo luận Hội trường về các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội chiều 8/6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, ngày 9/6/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết dành 16.000 tỷ đồng cho phát triển biển đảo, trong đó có hỗ trợ ngư dân đóng tàu, bám biển. Gần 1 tháng sau khi Nghị quyết của Quốc hội thông qua thì Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Như vậy có thể thấy rằng chính sách ban hành rất nhanh.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, các chính sách của Nghị định 67 được thực hiện khá đồng bộ và toàn diện, từ đầu tư hạ tầng cảng cá, các khu lưu trú, neo đậu tàu thuyền, phát triển hạ tầng nghề cá, cho vay vốn đóng tàu... Đặc biệt, theo Nghị định 67, chủ tàu được hỗ trợ cho vay vốn từ 90-95% giá trị con tàu. Lãi suất 7-9%/năm nhưng chủ tàu chỉ trả từ 1-2% lãi suất, phần còn lại Nhà nước hỗ trợ. Người vay vốn không phải thế chấp tài sản khác mà thế chấp bằng chính giá trị con tàu...
Tính đến ngày 21/5, tại 28 địa phương triển khai Nghị định 67 đã đăng ký đóng mới, nâng cấp 648 con tàu. Trong số này, tàu vỏ thép, tàu công suất lớn chiếm xấp xỉ gần 60%. “Chính sách đi đúng hướng vì người dân đăng ký đóng nhiều tàu vỏ thép, tàu công suất lớn”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Hiện các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu với tổng số tiền là 525 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 100 tỷ đồng. Thông thường, thời gian đóng một con tàu vỏ thép khoảng gần 1 năm.
"Tôi cho rằng triển khai Nghị định 67 như vậy không phải quá chậm. Bởi Nghị định ban hành tới nay mới 9 tháng, nhưng 10 con tàu giải ngân trên 50% và 2 tàu đã giải ngân xong", Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ cũng thảo luận về vấn đề này, trong đó Chính phủ sẽ điều chỉnh Nghị định 67 theo hướng cho phép giao các bộ nghiên cứu kéo dài thời gian cho vay với tàu vỏ thép và tàu vật liệu mới vì giá trị loại tàu này đắt hơn tàu vỏ gỗ… Tới đây cũng sẽ điều chỉnh chính sách này và những ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu sẽ được Chính phủ tiếp thu.
Đề nghị ra Nghị Quyết về phát triển nông nghiệp
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội, theo đó, kinh tế năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 có những tín hiệu tốt, tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất trong nhiều năm, mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm…, tuy nhiên tăng trưởng của ngành nông, thủy sản giảm mạnh.
Xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu gạo giảm mạnh trong quý 1/2015, tốc độ tăng trưởng của ngành nông-lâm-nghiệp và thủy sản quý 1/2015 chỉ đạt 2,14%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ là 2,37%. Chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những bất cập.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội cần ra Nghị quyết về tình hình nông nghiệp và nông dân. "Hiện chúng ta có khoảng 60 triệu dân sống ở nông thôn, trong khi đó nền nông nghiệp lại gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực nông nghiệp là nơi đảm bảo ổn định cuộc sống nhưng tại sao đến giờ vẫn chưa có Nghị quyết của Quốc hội để tập trung hỗ trợ cho lĩnh vực này", đại biểu Ngân nói.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Việt Nam sắp ký hàng loạt các hiệp định như: TPP, FTA... nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều thời cơ nhất, nhưng lại đang trở thành yếu nhất. Đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy hoạch, điều tiết việc cung cấp sản phẩm cho hợp lý tránh câu chuyện được mùa mất giá. Ngoài ra, khi quy hoạch phải có sự phân công, cụ thể là trách nhiệm của từng bộ, ngành, chính quyền địa phương... phải phụ trách những khâu nào và làm đến đâu, khi xảy ra vấn đề thì ai sẽ đứng ra điều phối.
"Bên cạnh đó cần phải có các chính sách hỗ trợ nhằm nhân rộng các mô hình tiên tiến, mô hình cánh đồng mẫu lớn, tổ chức sản xuất, chế biến sau thu hoạch... tất cả cần được cụ thể hóa thành các văn bản luật và nằm trong Nghị quyết của Quốc hội”, đại biểu Ngân đề nghị./.