Tiếp sau là Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cuối phiên chất vấn được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội.
Bên lề Quốc hội, chiều 10/6, phóng viên đã ghi lại một số ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên quan đến các phiên chất vấn và trả lời chất vấn này.
* Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng): Sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề dùng vốn FDI
 |
Đại biểu Trần Ngọc Vinh
|
Nông nghiệp luôn trong tình trạng được mùa, mất giá, đời sống của người nông dân chưa được nâng cao. Vì thế nông nghiệp cần phải có các giải pháp hữu hiệu và tôi sẽ tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vấn đề này.
Tôi cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề dùng vốn FDI. Chúng ta muốn phát triển ngành công nghiệp nhưng một số DN chưa phát triển đúng tầm, đặc biệt là các DNNVV vẫn chưa có chính sách đủ mạnh để phát triển, tình trạng DN giải thể tăng cao.
Như vậy, nếu chúng ta không vực dậy ngành công nghiệp trong nước, mà cứ dùng mãi vốn FDI thì khi nước ngoài rút đi hậu quả là vô cùng khôn lường. Do vậy, muốn hay không chúng ta cũng phải củng cố DN trong nước và có những chính sách ưu tiên phát triển DN trong nước. Muốn DN trong nước phát triển tốt thì cũng phải phát triển DN phụ trợ, như vậy mới có nguyên vật liệu sản xuất.
* Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn TP. Hà Nội): Chọn Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn là hoàn toàn “trúng”
|
Đại biểu Bùi Thị An
|
Tôi cho rằng việc chọn Bộ trưởng Bộ Công thương đăng đàn trả lời chất vấn là hoàn toàn “trúng”, vì liên quan đến vấn đề thị trường, liên quan đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và giá của sản phẩm.
Bởi đây là vấn đề “ai cũng phải chịu”, do liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Thực ra, cái nóng của nông nghiệp không hẳn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà cũng có phần của ngành Công thương.
Theo tôi, khi chất vấn các đại biểu không cần gửi câu hỏi trước vì Bộ trưởng nắm rất chắc công việc của họ. Đại biểu không đòi hỏi Bộ trưởng phải nhớ lấy từng số liệu, nhưng những vấn đề “nóng” trong quản lý ngành thì Bộ trưởng phải nắm rõ, không cần ai hỗ trợ. Vấn đề đại biểu quan tâm chính là việc Bộ trưởng phải biết dự báo tình hình, để từ đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu.
* Đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TP. Hồ Chí Minh): Sẽ tham gia chất vấn cả 4 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng
 |
Đại biểu Đỗ Văn Đương
|
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, tôi nghĩ các ĐBQH sẽ nêu ra nhiều câu hỏi xác đáng, thiết thực dành cho các Bộ trưởng. Nhưng tôi e ngại một điều là các Bộ trưởng có trả lời đáp ứng các câu hỏi của ĐBQH và quan trọng hơn là có đưa ra giải pháp không và lộ trình thực hiện như thế nào?
Có những vấn đề tôi thấy chất vấn nhiều năm nhưng chưa có chuyển biến nhiều lắm, ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề hàng hóa nông sản vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, được giá lại mất mùa. Như vậy hiệu quả của chất vấn thực sự chưa được chuyển biến, chưa đi vào cuộc sống. Trả lời như những kỳ chất vấn trước thì điệp khúc hỏi đi, hỏi lại vẫn diễn ra.
Vấn đề thông qua chất vấn thì trách nhiệm của Bộ trưởng và đặc biệt trách nhiệm Chính phủ phải điều hành làm sao đó bằng những giải pháp đột phá mạnh mẽ, tạo ra cú hích để giải quyết vấn đề.
Tại phiên chất vấn lần này vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân đang rất nóng, vấn đề “được mùa rớt giá” không phải bây giờ mới xảy ra, mà lặp lại từ nhiều năm nay. Vì thế, tôi sẽ tham gia chất vấn cả 4 Bộ trưởng và cả Phó Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Vì vấn đề tìm đầu ra cho nông sản các bộ không thể giải quyết được, muốn giải quyết được phải là Chính phủ./.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai): Với thời gian chất vấn như hiện nay chỉ có 2,5 ngày, theo tôi chúng ta nên chọn vấn đề đưa ra chất vấn và phải có một Phó Thủ tướng cùng với các Bộ trưởng có liên quan cùng trả lời.
"Chúng ta vẫn nói một bữa cơm gia đình cần rất nhiều bộ tham gia", vì vậy mỗi kỳ họp nên chọn ra một số vấn đề quan trọng để chất vấn, như thế tất cả đều tham gia và trả lời được. Chứ nếu mỗi đại biểu chất vấn một kiểu có thể rất đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của địa phương này, của ngành kia nhưng hiệu ứng không cao./.
|