Ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 11/6, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) xoay quanh các nội dung đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn.
* Ông đánh giá thế nào về báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp trước của các thành viên Chính phủ?
- Đánh giá chung, tôi cho rằng, các nghị quyết của Quốc hội (QH) đưa ra, các bộ trưởng được chất vấn trong các kỳ họp trước đều trả lời cơ bản là nghiêm túc. Tất nhiên có nhiều vấn đề rất khó, đòi hỏi phải có thời gian và bộ trưởng không thể có những giải pháp giải quyết dứt điểm ngay được.
Tôi lấy ví dụ như: việc vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, vấn đề buôn lậu hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng thì các lực lượng, kể cả bộ trưởng cũng tích cực vào cuộc, bắt rất nhiều vụ nhưng khó có thể chấm dứt ngay nên chúng tôi cũng chia sẻ với các bộ trưởng.
Hay như việc "được mùa rớt giá" mà rất nhiều ĐB chất vấn, thì cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Một là người nông dân thiếu sự tuân thủ vào quy hoạch của Chính phủ. Hai là chạy theo lợi nhuận trước mắt cho nên là không tính toán được lợi ích lâu dài, vì vậy đã xảy ra tình trạng có lúc, có nơi mặt hàng này thừa, mặt hàng kia thiếu.
Những tồn tại này do nhiều yếu tố, do sự liên kết từ tỉnh xuống huyện, từ những người nông dân sản xuất đến khâu tiêu thụ... đấy là những yếu tố làm cho một số lời hứa của bộ trưởng cũng khó trở thành hiện thực.
* Sau phần trả lời sáng nay của Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông có hài lòng không?
- Về cơ bản tôi hài lòng với phần trả lời này, vì Bộ trưởng nắm rất sâu những lĩnh vực mà mình quản lý, nên cơ bản trả lời thỏa mãn các câu hỏi đại biểu nêu ra.
Cùng với việc trả lời chất vấn, Bộ trưởng cũng lý giải một số việc mà ĐB mới chỉ nhìn được một mặt mà chưa đánh giá bản chất. Tôi lấy ví dụ có ĐB nêu ra làm sao gạo không bán được, lúa không bán được, tôm nuôi ra không bán được... Đây là một vài sự việc cụ thể mà qua đó đánh giá cả bản chất tình hình là không đúng.
Bộ trưởng đã lý giải được rằng tất cả các mặt hàng nông nghiệp thời gian qua đều bán được, đều có tiến bộ nhưng cũng có những thứ tồn đọng như hành tím, hay dưa hấu thì chỉ là mang tính cục bộ, tính thời điểm.
* Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, việc nhận trách nhiệm của Bộ trưởng chưa được rõ ràng?
- Thực ra nói như thế cũng hơi chủ quan, Bộ trưởng trả lời đã nêu được những gì làm được. Đây chính là trách nhiệm của Bộ trưởng và tất cả các doanh nghiệp cũng như Chính phủ đã đầu tư công sức, nỗ lực hoàn thành, như xuất khẩu gạo tăng, các lĩnh vực khác cơ bản là tốt, còn những hạn chế thì không phải là chính yếu.
Nếu yêu cầu tất cả những gì đại biểu chất vấn, cử tri đưa ra đều phải thực hiện một cách tuyệt đối thì rất khó, cần phải chia sẻ với Bộ trưởng, chia sẻ với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ở một số điểm này.
Tôi cho rằng, cần phải có thời gian và sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức chứ không riêng gì mỗi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Xin cảm ơn ông!
Đưa ra đánh giá khác về phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong việc phát triển chuỗi giá trị trong nông nghiệp thời gian tới, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng- Phó chủ nhiệm UBKT Quốc hội) cho rằng, cá nhân ông không đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng là doanh nghiệp mới là chủ thể quyết định.
"Tôi ủng hộ bài nói của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội: Người nông dân phải là chủ thể trong chuỗi đấy và bây giờ 9,7 triệu hộ nông dân không ai có thể làm được. Cho nên vấn đề là nếu người nông dân không tự liên kết lại theo một mô hình kinh tế tập thể thì mãi mãi vấn đề giá, vấn đề sản phẩm trồng cây gì, nuôi con gì, chặt mía trồng hồ tiêu, chặt hồ tiêu trồng các thứ khác nó vẫn diễn ra".
|