Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề như vậy khi trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội sáng 11/6.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đi du lịch đâu phải mọi người chỉ thích đi thám hiểm, người ta thích đến chỗ đầy đủ tiện nghi từ sân bay, đường sá, khách sạn, công trình văn hóa… nghĩa là hạ tầng đồng bộ. Việc này đòi hỏi phải có một quá trình mà không phải một lúc chúng ta có thể làm ngay được.
Nhưng có những vấn đề quan trọng liên quan đến hình ảnh du lịch Việt Nam mà trước mắt chúng ta có thể làm ngay. Theo Phó Thủ tướng, vừa rồi Chính phủ đã bàn và sẽ có những bước đột phá để tăng lượng khách du lịch đến Việt Nam. Theo đó, không chỉ là tăng số nước mà Việt Nam sẽ miễn visa theo xu hướng chung của thế giới và khu vực, mà tất cả những khâu liên quan đến visa đều cải tiến để khách du lịch cảm thấy thoải mái hơn, thuận lợi hơn khi đến du lịch Việt Nam; xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn ngoài xã hội để phát triển, quảng bá du lịch Việt Nam mạnh mẽ hơn...
Bên cạnh đó, có những thứ không cần tiền mà chúng ta vẫn có thể cải tiến ngay được, như thấy du khách nhận xét những gì chưa tốt về du lịch Việt Nam thì chúng ta thay đổi ngay để làm tốt hơn. Theo Phó Thủ tướng, có 6 thứ mà du khách sợ nhất khi đến Việt Nam.
Nỗi sợ đầu tiên của du khách là "chặt chém". Cái này thuộc về kinh tế, nhưng lại làm cho khách du lịch có cảm giác không được coi trọng, bị coi thường. Như mua một chai nước tại điểm du lịch bị chém gấp 5 lần mà vẫn bắt buộc phải mua, thì không thể hài lòng được.
Nỗi sợ thứ hai của khách du lịch khi đến Việt Nam là vấn đề giao thông. Theo Phó Thủ tướng, vấn đề an toàn giao thông mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng đây cũng là một vấn đề khó.
Thứ 3, khách du lịch sợ ăn xin và ăn cắp vặt, đặc biệt là ăn xin. Khách đi du lịch muốn có cảm giác thanh thản, an lành, hoặc muốn khám phá những cái mới, nhất là du khách những nước phát triển. Nhưng đến Việt Nam lại thấy nhiều ăn xin, nhất là những người giả ăn xin, cái cảnh thê lương đến mức làm người ta thấy ám ảnh, thậm chí không chỉ bị ám ảnh trong chuyến du lịch đến Việt Nam mà bị ám ảnh mãi về sau.
Tiếp theo là sợ vệ sinh an toàn thực phẩm. Ra ngoài đường thấy quán ăn sát vỉa hè đã rất bẩn rồi mà lại thấy lấy tay bốc thức ăn chứ không dùng găng tay nilon. Nó rất đơn giản thôi nhưng cũng khiến du khách sợ.
Thứ 5 là sợ vệ sinh môi trường. Các nhà vệ sinh công cộng thì trông rất khủng khiếp. Ngay cả ở những khu du lịch trọng điểm nhiều người thản nhiên vứt rác, không có ý thức bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, cơ bản người Việt Nam rất mến khách. Nhưng 1.000 người mến khách mà chỉ cần 1 người nói không thì cũng để lại ấn tượng xấu. Thể hiện như thái độ đối với du khách. Lúc mời vào ăn, vào mua hàng thì đon đả, thế nhưng nếu không mua thì thái độ khác ngay. Có thể du khách không hiểu tiếng Việt, nhưng bằng thái độ, có thể cảm nhận được sự thân thiện hay không.
Tất cả những vấn đề trên, trừ giao thông cần có giải pháp đồng bộ, còn lại tại sao chúng ta lại không làm được?
"Có những nơi làm rất tốt như Hội An, Đà Nẵng, nhưng tại sao các nơi khác không làm được. Chúng ta không cần làm những thứ "cao siêu" mà nên bắt đầu từ những thứ sát sườn, từ việc nhỏ đến việc lớn để phát triển du lịch Việt Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.