Trao quyền điều tra cho thuế, chứng khoán, kiểm ngư là đỏi hỏi từ thực tế
Tại phiên thảo luận hội trường về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, nội dung nên hay không bổ sung quyền điều tra ban đầu cho cơ quan kiểm ngư, thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; công an xã, phường lại tiếp tục được thảo luận. Theo đó, bên cạnh nhiều ý kiến chưa ủng hộ, thì cũng có nhiều ĐB ủng hộ việc cần bổ sung quyền điều tra cho các quan trên vì thực tiễn đòi hỏi.
Về việc trao thêm quyền điều tra cho các cơ quan kiểm ngư, thuế, chứng khoán, ĐB Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi) cho rằng, đây là đề nghị của Chính phủ và lập luận của Chính phủ tại sao đưa vào cũng có nhiều điểm đáng quan tâm. Không phải ngẫu nhiên Chính phủ đề nghị và chúng ta cũng nên lưu ý là các nước họ cũng làm.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng cho rằng, cần thiết bổ sung các cơ quan này thẩm quyền điều tra. Bởi vì đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù, có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hiện nay, các cơ quan này chỉ có chức năng thanh tra các vụ việc và nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách.
Còn băn khoăn về trao quyền điều tra cho công an xã
Liên quan đến việc trao thêm quyền điều tra ban đầu cho công an xã, phường, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, đây là lực lượng bán chuyên trách, hạn chế về trình độ, không có nghiệp vụ. Nếu giao thêm quyền sẽ vượt quá khả năng gây sai lệch làm khó cho cơ quan điều tra chuyên trách.
Theo ĐB Nga, trình tự tố tụng một vụ án phải được thực hiện nghiêm ngặt, chủ thể phải là điều tra viên để tránh oan sai. Trong khi điều kiện đối với trưởng, phó công an xã, phường thấp, không qua đào tạo nghiệp vụ và thực tế đã xảy ra nhiều sai phạm. ĐB Nga đề nghị bỏ thẩm quyền điều tra ban đầu đối với công an xã, phường; dừng thực hiện Pháp lệnh công an xã trong hoạt động tố tụng hình sự để ngăn sai phạm có thể xảy ra; tăng cường lập các đồn công an chính quy; nâng tiêu chuẩn tuyển chọn công an xã và chế độ đãi ngộ để họ gắn bó với nghề; ....
ĐB Lù Thị Lừu (Lào Cai) thì lại cho ý kiến khác, nên giao cho lực lượng trên một số quyền điều tra cơ bản ban đầu phù hợp với năng lực, vì thực tế Pháp lệnh Công an xã năm 2008 cũng đã giao như tiếp nhận, phân loại lời khai ban đầu, bảo quản vật chứng... Điều này cũng phù hợp với đặc thù vùng sâu, xa vì nếu chờ cơ quan điều tra cấp huyện đến thì chứng cứ có thể bị mất hoặc không còn nguyên trạng.
Trên quan điểm của mình, ĐB Đỗ Văn Đương (TP. HCM) cũng đồng ý với việc trao thêm một số quyền điều tra ban đầu của công an xã, phường nhưng ở phạm vi rất hẹp để cơ quan điều tra chính quy không phải làm từ đầu.
“Không nên giao cho lực lượng này khám nghiệm hiện trường vì họ không có nghiệp vụ chuyên sâu, có khi lại xóa hết hiện trường và có thể lại dẫn đến bắt nhầm người”, ĐB nói./.
Mở đầu phiên họp sáng nay, với 83% ĐB đồng ý, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật tổ chức chính phủ (sửa đổi). Điểm đáng chú ý tại Luật này là quy định số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao thì không quá 6 thứ trưởng.
Với 85,22% ĐB đã đồng ý, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương. Theo quy định tại Luật, các đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt (Hà Nội và TP. HCM) có không quá 5 phó chủ tịch; loại I có không quá 4 phó chủ tịch; loại II và loại III có không quá 3 phó chủ tịch UBND. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện loại I có không quá 3 phó chủ tịch, loại II và loại III có không quá 2 phó chủ tịch UBND. Đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I có không quá 2 phó chủ tịch, loại II và loại III có 1 phó chủ tịch UBND.
|