* Thưa ông, là một Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã hai nhiệm kỳ, đồng thời cũng từng là một phóng viên, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa báo chí với hoạt động Quốc hội ?
- Trong hoạt động của Quốc hội và ĐBQH nói chung, báo chí là luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu. Một mặt báo chí là nguồn cung cấp thông tin cho ĐBQH tình hình trong nước và thế giới. Mặt khác, báo chí là phương tiện hữu hiệu để ĐBQH bày tỏ chính kiến của mình nhằm tác động đến chính sách, đến cơ quan, tổ chức, đến công chúng, thông qua đó tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến công chúng, đến toàn xã hội. Báo chí cũng giúp xây dựng hình ảnh của ĐBQH nói riêng và hình ảnh của Quốc hội trong con mắt cử tri cả nước. Đây là điều rất quan trọng.
Trong hoạt động giám sát, cơ chế của chúng ta chưa đủ điều kiện để ĐBQH tự mình thực hiện giám sát vì ĐBQH chưa có bộ máy giúp việc như các nghị sỹ ở nước khác. Thành ra báo chí cũng là một kênh thông tin cho hỗ trợ cho ĐBQH trong việc này.
* Theo ông, vì sao sự tương tác giữa Quốc hội với báo chí lại chặt chẽ như vậy?
- Quốc hội là nơi quyết định những chính sách lớn, thể chế hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng nên tất cả các vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, ảnh hưởng đến đất nước và tới từng người dân đều được quyết định tại nghị trường. Vì thế, báo chí cần đến Quốc hội và ngược lại các cơ quan Quốc hội cũng rất cần báo chí.
Các ĐBQH cũng thông qua báo chí để xây dựng hình ảnh của mình. Xây dựng hình ảnh không phải là đánh bóng tên tuổi cá nhân, mà là để nói với cử tri rằng tôi đang làm việc như vậy theo lá phiếu bầu của cử tri. Đây là kinh nghiệm của các nghị sỹ trên thế giới.
* Mối quan hệ gắn kết như vậy nhưng cũng có những ĐBQH ngần ngại khi tiếp xúc báo chí. Là một ĐBQH có nhiều phát ngôn rất thẳng thắn, và có thể nói là rất “thân thiện” với báo chí, sẵn sàng trả lời báo chí khi cần thiết, ông có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ?
- Với kinh nghiệm của tôi, một khi báo chí cần mình có nghĩa là công chúng cần mình, cử tri cần mình, vì vậy, mình chỉ có quyền hẹn chứ không thể từ chối. Khi tiếp xúc với báo chí, trước hết ĐBQH cần có tâm thế tự tin, chủ động, không nên e dè. Thậm chí có ĐBQH mới được bầu còn ngại báo chí, sợ mình “sảy miệng lỡ lời”, nên khi tiếp xúc với báo chí cân nhắc rất kỹ lưỡng, đôi khi đưa ra lý do để né tránh.
Tại nghị trường, ĐBQH phát biểu có mấy trăm người nghe, nhưng tôi cho rằng không gì tác động lớn bằng việc các phương tiện thông tin đại chúng, các “binh chủng báo chí” cùng đồng loạt phản ánh tiếng nói của ĐBQH, những tiếng nói chân thành, chính xác thì thông điệp đưa đến cử tri, việc bảo vệ quyền lợi của cử tri chắc chắn có tính lan tỏa hơn rất nhiều..
Để có thể truyền tải thông điệp, ĐBQH phải nắm vững vấn đề mình được phỏng vấn, do vậy trước khi trả lời phỏng vấn phải hiểu, phải nghiên cứu rất kỹ văn bản, kiến thức về pháp luật. Khi giao tiếp với báo chí, ĐBQH cần nắm vững một số nguyên tắc là trả lời thẳng vào vấn đề được hỏi, không vòng vo tránh né những câu hỏi được cho là hóc búa hoặc nhạy cảm.
Tất nhiên có những vấn đề vì lý do khách quan mình không nghiên cứu sâu, nhưng cũng không nên né tránh và nói thẳng việc này tôi sẽ nghiên cứu và trả lời trong thời gian sớm nhất nếu chưa thể trả lời ngay. Những vấn đề chưa rõ, chưa biết thì không nên trả lời lấy được, để tránh “sảy miệng lỡ lời” bởi một khi báo đã phát hành, đã phát sóng thì không thể rút lời nữa, vì vậy cẩn trọng là yếu tố vô cùng cần thiết, nhưng phải tự tin, chủ động. Muốn chủ động thì phải làm chủ kiến thức, làm chủ vấn đề mình định truyền thông cho báo chí.
Ngoài ra, khi trả lời báo chí, tôi có kinh nghiệm là không nên nói theo ngôn ngữ văn tự hành chính, ngôn ngữ lập pháp, vì như vậy sẽ rất khô khan. Nên dùng từ ngữ sinh động, dễ hiểu thì thông điệp sẽ đi vào lòng người hơn.
* Nhân dịp ngày kỷ niệm báo chí cách mạng Việt Nam, ông có thông điệp gì muốn gửi tới các nhà báo?
- Thông điệp của tôi là cánh cửa phòng làm việc tại Văn phòng Quốc hội luôn luôn rộng mở với báo chí. ĐBQH không bao giờ nói không với báo chí. Báo chí cần mình là dư luận xã hội cần mình, cử tri cần mình. ĐBQH phải đến với báo chí bằng tư duy trong sáng và tấm lòng rộng mở. Về mặt thông tin và tri thức, báo chí không chỉ là người bạn mà còn là người thầy với bất kỳ ai cầu thị.
* Xin cảm ơn ông./.
* "Với ĐBQH, báo chí là cầu nối thông tin hết sức hiệu quả giữa ĐBQH với cử tri. Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong đưa tin về mọi hoạt động của xã hội thời gian qua, cả những mặt tích cực cũng như hạn chế, để từ đó có chính sách phù hợp.
Thực tế, ai cũng muốn nghe lời nói tốt, nhưng người xưa có câu “trung ngôn nghịch nhĩ”, lời nói thẳng thì khó nghe. Nhưng “thuốc đắng thì dã tật”, nếu báo chí không nêu lên các hiện tượng tiêu cực thì làm sao khắc phục. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong rằng, báo chí sau khi đưa tin phải tiếp tục định hướng để sửa chữa và khắc phục nhược điểm, để tránh chuyện chỉ một chiều chê trách mà chưa chỉ ra được cách khắc phục", ĐB Trương Ngọc Vinh (Hải Phòng).
* “Tôi mong muốn thời lượng dành cho công tác tuyên truyền, hiểu biết pháp luật phải được quan tâm hơn, để cử tri hiểu được rõ hơn các vấn đề. Đồng thời, thông tin phải đảm bảo khách quan trung thực, nhiều góc nhìn, tránh chỉ đưa thông tin một chiều. Một điều rất quan trọng nữa là báo chí nên quan tâm hơn đến các ý kiến phản biện thiểu số, nhưng có đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học, mặc dù đó không phải là ý kiến của đa số. Và cũng không nên chỉ phản ánh ý kiến các ĐB có tiếng tăm, vị trí”, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai).
|