Sáng 29/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo công bố “Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2015: Chuyển biến, cơ hội và chính sách”, trong khuôn khổ dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế Việt Nam do Chính phủ Úc tài trợ.
"Bức tranh đẹp" trong ngắn hạn
Đánh giá chung, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm khá tích cực với tăng trưởng phục hồi rõ nét, lạm phát thấp, tín dụng tăng ổn định, giải ngân vốn FDI tăng cao… Triển vọng 6 tháng cuối năm sẽ vẫn là “một bức tranh đẹp”, tuy nhiên xét về trung và dài hạn nền kinh tế đang tồn tại những điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Một trong những điểm nghẽn lớn theo TS. Nguyễn Đình Cung là vấn đề năng suất thấp, hiệu quả thấp và có xu hướng giảm, bắt nguồn từ nguyên nhân là phân bổ nguồn lực không hiệu quả. "Tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả là để phân bổ lại nguồn lực bằng bàn tay thị trường, không phải bằng cơ chế hành chính, đây là điểm cốt lõi", TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Theo vị lãnh đạo của CIEM, bức tranh kinh tế nhìn bề ngoài có vẻ tốt, nhưng nhìn sâu hơn, dài hơn thì có vấn đề. Nguồn vốn thời gian qua đã đổ nhiều vào những ngành có năng suất thấp như ngân hàng, tài chính, bất động sản, hay đổ vào các doanh nghiệp lớn nhưng hiệu quả thấp. “Đó là một nghịch lý, đáng lẽ vốn phải được phân bổ từ nơi sử dụng kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả cao hơn, thì ở Việt Nam dường như đang ngược lại”, TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét.
Trong khi tốc độ giải ngân vốn FDI của Việt Nam hiện vẫn tăng, một vấn đề đáng lưu ý là vốn đăng ký mới lại giảm. Mặc dù vốn đầu tư nước ngoài đang đóng vai trò lớn trong nền kinh tế nhưng theo Viện trưởng CIEM, vốn FDI vào Việt Nam giảm có thể là cơ hội tốt để tận dụng hiệu quả các nguồn vốn khác. Hiện tại, nguồn vốn, tài sản tiềm năng trong nước còn rất lớn nhưng đang được sử dụng chưa hiệu quả. Nếu tận dụng tốt nguồn lực này sẽ mở ra con đường mới, cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam, tạo ra sự thịnh vượng thực sự.
Phân tích thêm về nội dung này, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho biết, nếu nhìn vào tỷ trọng FDI mà Việt Nam thu hút được trên tổng FDI của thế giới so với tỷ lệ GDP thì Việt Nam đang đứng đầu thế giới về thu hút FDI/GDP. Điều này có nghĩa là Việt Nam đang thu hút quá nhiều FDI, trong khi tác động đến tăng trưởng kinh tế lại rất thấp. Vì vậy, việc FDI vào chậm lại có thể là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế.
Phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế vĩ mô.
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM đưa ra quan điểm khác về việc Việt Nam thu hút FDI quá nhiều. Theo bà, FDI không tự nhiên vào các nền kinh tế. Việc chỉ số thu hút FDI trên GDP quá cao có thể được bình luận rằng dù quy mô nhỏ nhưng Việt Nam đang hấp thụ FDI lớn. Vấn đề là để FDI có tác dụng lan toả được, nền kinh tế phải đạt được một mức độ nào đó. Về nguyên tắc, vốn bao giờ cũng tìm đến nơi có hiệu quả cao. Điều mà nền kinh tế cần hướng tới là FDI từ nguồn nào, phân bổ vào ngành nào, chất lượng ra sao…
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, cần phải nêu ra được các giải pháp để chấm dứt việc phân bổ nguồn vốn, nguồn lực không theo cơ chế thị trường, không chỉ ở khu vực công mà cả khu vực tư. “Cái gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu đang tồn tại, chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp lớn”, ông lưu ý.
Ngoài ra, TS. Lưu Bích Hồ đề nghị quan tâm đánh giá tình hình kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới. Sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc là xu hướng khó cưỡng lại và không thể xử lý trong một sớm một chiều. Đây là vấn đề đã được dự báo và sẽ kéo lùi sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, vì vậy cần phải phân tích để đánh giá tác động đối với nền kinh tế Việt Nam.
TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia nhận xét, kinh tế 6 tháng đặt ra nhiều nỗi lo như nợ xấu, nợ công, chính sách tiền tệ… Điều đáng suy nghĩ là mắt xích yếu nhất hiện nay của nền kinh tế là hệ thống ngân hàng. Lãi suất huy động không tăng, nhưng lãi suất cho vay cũng không hạ được. Tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại là rất khó khăn nên khó có thể giảm lãi suất…
“Nêu vấn đề FDI quá lớn không phải là để chúng ta thắt chặt hay không khuyến khích, hay là có tâm lý “bài ngoại”. Vấn đề là làm sao khuyến khích được khu vực trong nước phát triển tương xứng với vai trò của nó. Như thế, cuộc chơi này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Hiện nay, khoảng cách giữa lượng FDI với nền kinh tế còn rất lớn, nguồn lực kinh tế trong nước còn nhiều, vì vậy, không nhất thiết phải vội vàng thu hút FDI, vội vàng điều chỉnh chính sách”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh. |