Ngày 31/7, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7 với nội dung về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng, tình hình ngân sách và một số báo cáo quan trọng khác.
Thông tin tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết tại phiên họp thường kỳ, các thành viên Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế xã hội tiếp tục phục hồi tích cực. Đáng chú ý là lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch quốc tế đã tăng trở lại, đạt mức tăng 12,1% so với tháng trước. Lạm phát, lãi suất ổn định, tổng cầu và sức mua được cải thiện, tín dụng tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội đã xuất hiện những vấn đề cần chú ý. Đặc biệt là hiện tượng lũ lụt bất thường ở Quảng Ninh gây thiệt hại nghiêm trọng. Theo thống kê chưa đầy đủ, số người chết là 17 người và mất tích là 6 người. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng. “Trước mắt, chúng ta phải tập trung khắc phục hậu quả, còn nguyên nhân để xảy ra thiệt hại như vậy thì các cơ quan chức năng, lãnh đạo các ngành sẽ có trách nhiệm làm rõ, rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết.
Ngoài ra, tình hình nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Xuất khẩu có tăng so với cùng kỳ nhưng nhập khẩu vẫn cao hơn, nên nhập siêu lên tới 3,3 tỷ USD….
Được biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2011 - 2015 và chủ trương đầu tư các CTMTQG giai đoạn 2016 - 2020. Các thành viên Chính phủ cơ bản đồng tình với chủ trương đầu tư các CTMTQG giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng sắp xếp lại các CTMTQG theo hướng gom lại, từ 16 chương trình chỉ còn thực hiện theo 2 chương trình là CTMTQG xây dựng nông thôn mới và CTMTQG giảm nghèo bền vững.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc thu gọn, lồng ghép không có nghĩa là từ bỏ mục tiêu, nhiệm vụ nào mà chỉ loại bỏ những phần trùng lặp, lãng phí, để triển khai hiệu quả hơn.
Ngoài ra, thảo luận về xây dựng Chính phủ điện tử, các ý kiến nhất trí việc ban hành Nghị quyết về Chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc; công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về một số nội dung khác như: Biện pháp bình ổn giá dịch vụ xếp dỡ container khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải; tổng biên chế, số lượng kiểm sát viên, cơ cấu tỷ lệ các ngạch kiểm sát viên tại mỗi cấp Viện Kiểm sát; Dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Dự án Luật Dược (sửa đổi); Dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp./.