Chiều 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 - 2020.
NSNN chỉ đầu tư những lĩnh vực không thể xã hội hoá
Về cơ bản, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) nhất trí với nhiều đề xuất của Chính phủ.
Cụ thể như về ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN, UBTCNS nhất trí với phương án NSNN chỉ đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không thể xã hội hóa đầu tư. Tuy nhiên trong điều kiện NSNN còn khó khăn, UBTCNS đề nghị Chính phủ rà soát lại phạm vi hỗ trợ của NSNN cho từng ngành, lĩnh vực và nhu cầu cần xã hội hóa đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực hiện nay, để tránh dàn trải và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
Nhiều ý kiến đề nghị xem xét thu hẹp lại phạm vi, đối tượng hỗ trợ đầu tư với lĩnh vực công nghiệp, CNTT. Đề nghị NSNN không hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp qua hình thức cấp phát trực tiếp như trước mà thông qua hỗ trợ lãi suất tín dụng ưu đãi. Đối với các dự án thương mại, chỉ xem xét với những vùng sâu, vùng xa, không có khả năng xã hội hoá.
Đối với cơ chế hỗ trợ và mức hỗ trợ, UBTCNS cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ chỉ hỗ trợ cho dự án từ nhóm B trở lên và hỗ trợ 100% vốn cho các dự án công trình khởi công mới giai đoạn 2016-2020 trong danh mục được NSTW hỗ trợ để bảo đảm bố trí vốn tập trung và hiệu quả, tránh tình trạng địa phương mở rộng quy mô dự án và tăng tổng mức đầu tư để tăng phần hỗ trợ từ NSTW.
UBTCNS đề nghị ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng XDCB
Tuy nhiên, về thứ tự ưu tiên bố trí vốn NSNN, ý kiến của cơ quan thẩm tra chưa thống nhất với Chính phủ. Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất ưu tiên đầu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong những ngành, lĩnh vực có dự án PPP. Ưu tiên thứ hai là bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA. Ưu tiên thứ ba là thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) và hoàn vốn đã ứng trước. Ưu tiên thứ tư là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31/12/ 2014 nhưng còn thiếu vốn, các dự án của giai đoạn 2011 - 2015 chuyển sang giai đoạn 2016 - 2020. Cuối cùng bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.
Trong quá trình thẩm tra, nhiều ý kiến trong UBTCNS cho rằng, thứ tự ưu tiên bố trí vốn này chưa thật hợp lý và đề nghị sắp xếp lại. Theo đó, ưu tiên đầu tiên là xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng XDCB và thu hồi vốn đã ứng trước, vì nợ đọng XDCB và vốn ứng trước khá cao đang rất phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào thứ tự ưu tiên này việc hỗ trợ các dự án quan trọng, cấp bách của quốc phòng – an ninh, hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của thiên tai.
Ưu tiên thứ hai là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), vốn đối ứng cho các dự án ODA. Ưu tiên thứ ba được đề xuất là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31/12/2014, có đầy đủ thủ tục đầu tư nhưng còn thiếu vốn và các dự án của giai đoạn 2011-2015 còn dở dang chuyển sang giai đoạn 2016-2020. Và ưu tiên thứ tư là bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.
Ngoài ra, UBTCNS đề nghị UBTVQH xem xét ban hành Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định rõ tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư của NSNN trong các dự án PPP ở Bộ, ngành, địa phương; có danh mục cụ thể quy định rõ mức vốn, các hạng mục sẽ bố trí vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN trong việc thực hiện dự án PPP để báo cáo UBTVQH.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có quan điểm tương tự với phương án của Chính phủ khi cho rằng nên ưu tiên bố trí vốn cho các dự án ODA, PPP thay vì nợ đọng XDCB. Trong đó, so với PPP thì nên ưu tiên dự án ODA bởi đây là những dự án quan trọng, tiền thì đã vay mà thiếu vốn đối ứng để triển khai. Những nguồn vốn đối ứng này có thể huy động vốn tối đa và có hiệu quả của các thành phần kinh tế để đầu tư cơ sở hạ tầng trong giai đoạn tiếp theo. |