Tăng trưởng nông nghiệp liên tục sụt giảm
Phát biểu tại cuộc hội thảo "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, từ sau thực hiện đổi mới năm 1986 đến nay, giai đoạn 1995 -2000 là thời kỳ ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt bình quân 4,5%/năm, nhưng sau đó tốc độ tăng trưởng nông nghiệp diễn biến theo chiều hướng giảm dần.
“Giai đoạn 2001-2005 tiếp theo, tốc độ tăng trưởng của ngành giảm còn 3,8%/năm, đến giai đoạn 2006 - 2010 lại tiếp tục giảm xuống 3,34%/năm và từ năm 2011 đến 2014, tăng trưởng của ngành giảm còn 3,3%/năm”, ông Cung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong ngành nông nghiệp còn chậm. Cụ thể, tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 20% GDP quốc gia, tỷ lệ này chững lại trong 7-8 năm gần đây là hiện tượng đáng lo ngại, chỉ báo cho nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình". Chăn nuôi chưa trở thành “ngành chính”. Ngành lâm nghiệp tăng trưởng chậm, chỉ còn chiếm 5% GDP toàn ngành...
"Rõ ràng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn chưa theo hướng hiện đại và công nghiệp hóa”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân vì sao tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm, khiến quá trình thực hiện CNH, HĐH chưa đạt mục tiêu?
Theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, những hạn chế trên là do nhận thức về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và CNH, HĐH chưa đầy đủ.
"Chưa có đột phá về thể chế để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Chưa xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên trong phát triển của từng giai đoạn… Thiếu gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CNH, HĐH với đô thị hóa, giữa phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn với xây dựng nông thôn mới...", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Thay đổi tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy mạnh CNH, HĐH, cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí quan trọng của nông nghiệp nông thôn.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, để đưa nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, cạnh tranh với nền sản xuất nông nghiệp thế giới thì cần phải thay đổi tư duy sản xuất.
“Chúng ta phải chuyển từ sản xuất cái ta có sang sản xuất cái thị trường cần, sản xuất các mặt hàng có lợi thế theo từng vùng, từng tỉnh từ đó xây dựng lợi thế quốc gia. Trong mô hình sản xuất cần phải liên kết tạo ra những sản phẩm mới chất lượng cao, liên kết các doanh nghiệp gắn sản xuất tiêu thụ với chế biến. Đồng thời, cần đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản phẩm nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần thay đổi quan niệm phát triển nông nghiệp từ lượng sang chất, chuyển sang nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao phù hợp. Đồng thời, khẳng định vai trò trụ cột dẫn dắt trong nông nghiệp, tổ chức kinh doanh nông nghiệp hiện đại lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nông dân làm nền tảng, hợp tác xã là tổ chức liên kết nông dân và kết nối nông dân với doanh nghiệp tạo thành chuỗi kinh doanh hiện đại.
Ngoài ra, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, để khôi phục tốc độ tăng trưởng của ngành cần huy động những nguồn lực mới như khoa học công nghệ và cải tiến quản lý.../.
CNH, HĐH nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghệ chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, hiện đại hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. |