Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp của đại biểu tại phiên họp chiều 16/11 về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có phát biểu tiếp thu và giải trình cụ thể về các nội dung đại biểu nêu.
Không phát sinh thủ tục mới trong đầu tư công
Theo Phó Thủ tướng, Luật Đầu tư công sau 3 năm thực hiện đã tạo bước chuyển biến căn bản trong tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải và nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đây là những kết quả rất lớn đã được các đại biểu nêu và thể hiện trong các báo cáo trình tại Quốc hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có những vướng mắc, yếu kém, trong đó có vướng mắc về quy định pháp luật. Để khắc phục những yếu kém, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 năm 2016, Nghị quyết 70 năm 2017 để siết chặt kỷ luật đầu tư, ban hành Nghị định 120 sửa đổi 3 Nghị định liên quan đến đầu tư công.
Về quan điểm sửa đổi Luật lần này, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ thống nhất cần thể chế hoá chủ trương đường lối của Đảng, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, gắn với tái cơ cấu, thu chi ngân sách, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền, cố gắng đơn giản nhất quy trình thủ tục, không đẻ ra những quy trình thủ tục mới. Đồng thời, tăng cường kỷ luật kỷ cương ngân sách, tăng cường hậu kiểm, đảm bảo công khai minh bạch, có chế tài xử lý vi phạm.
"Ngay cả những khâu buộc phải tiền kiểm, Chính phủ chủ trương quy định rất rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, thời hạn thực hiện, không phải tiền kiểm là tạo điều kiện "ngâm hồ sơ", nhũng nhiễu làm chậm quá trình này. Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo rà soát đánh giá kỹ một cách công bằng, như đại biểu đã nêu, cả mặt tích cực và tiêu cực của 18 nhóm chính sách, cân nhắc lựa chọn kỹ lưỡng, những nội dung sửa đổi có lý lẽ thuyết phục để trình Quốc hội tại kỳ họp lần sau", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát để quy định cụ thể hơn chế độ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý đầu tư công, tiếp thu các thông lệ quốc tế tốt nhất về đầu tư công, nghiên cứu xây dựng tiêu chí lựa chọn dự án, đánh giá hiệu quả đầu tư.
Về một số vấn đề cụ thể, như phạm vi quy định phân loại vốn nào, Phó Thủ tướng cho biết, về nguyên tắc, Luật Đầu tư công quy định chi tiết việc sử dụng chi đầu tư phát triển trong ngân sách. Trong tổng mức 2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn này không có vốn của các đơn vị sự nghiệp được để lại chi tiêu theo quy chế tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, Luật hiện hành đưa khoản này vào và ràng buộc theo quy định về đầu tư công.
Như nhiều đại biểu đã phân tích, đây là điều bất cập khi có những khoản mục sửa chữa, xây dựng quy mô nhỏ, vài trăm triệu đồng cũng phải thực hiện đầy đủ thủ tục như dự án đầu tư công. Đã có ý kiến cho rằng nên đưa ra khỏi luật, thực hiện theo Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng dù không nằm trong cân đối ngân sách nhưng vẫn là chi tiêu công. Do đó, vẫn đưa vào dự án Luật nhưng giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc chung để vừa chặt chẽ nhưng cũng tạo thuận lợi cho đơn vị thực hiện.
Làm rõ căn cứ, tiêu chí mức vốn dự án trọng điểm quốc gia
Qua thảo luận, một số ý kiến đại biểu băn khoăn về cơ sở, căn cứ nâng tiêu chí vốn đầu tư của dự án từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng. Giải trình về nội dung này, Phó Thủ tướng nhắc lại Nghị quyết 05 của Quốc hội khoá 10 năm 1997 quy định tiêu chí là 10.000 tỷ đồng, bằng 3,2% GDP. Nghị quyết 66 năm 2006 của Quốc hội khoá 11 quy định tiêu chí 20.000 tỷ đồng, bằng 1,9% GDP. Nghị quyết 49 năm 2010 của Quốc hội khoá 12, quy định tiêu chí tổng mức vốn đầu tư là 35.000 tỷ đồng.
Trước các ý kiến đóng góp của đại biểu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cơ sở tiêu chí, mức vốn nhà nước… để có căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định, để vừa đảm bảo thẩm quyền của Quốc hội, vừa đảm bảo linh động trong tổ chức thực hiện. Thực tế hiện nay, các dự án trên 10.000 tỷ đồng có một phần vốn trung ương ngày càng nhiều hơn, Phó Thủ tướng cho biết thêm.
Ngoài ra, dự thảo Luật lần này đã sửa đổi một số vướng mắc liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường. Hiện tại, Luật Bảo vệ môi trường quy định thời điểm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), theo đó tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phải có báo cáo ĐTM. Quy định này gây khó khăn cho việc quyết định chủ trương đầu tư dự án vì tại giai đoạn này chưa có căn cứ vốn đầu tư để lập, phê duyệt, trình thẩm định báo cáo ĐTM gây ách tắc việc quyết định chủ trương đầu tư. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đề nghị Chính phủ bổ sung quy định để xử lý vướng mắc này.
Thực hiện chỉ đạo của UBTVQH, dự án luật này quy định theo hướng tại giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư chỉ cần đánh giá sơ bộ tác động môi trường, còn báo cáo ĐTM được lập tại giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư dự án và đồng thời giao cho Chính phủ hướng dẫn nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường này.
"Quy định này vừa tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, vừa tạo thuận lợi hơn trong quá trình quyết định đầu tư, không phải là điểm lùi", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định./.