Mùa hè năm 2017, lần đầu tiên, Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân, ghi dấu một nhiệm kỳ tăng tốc chưa từng có cho phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này mang tên Nghị quyết 10, còn được gọi là khúc hoan ca cho nền kinh tế.
Đây là lần đầu tiên Đảng xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các quan điểm của nghị quyết đều rất mới, rất mạnh mẽ và đột phá, Đảng xác định xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến và tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh.
Con số hoàn hảo
Nghị quyết 10, ngày 3/6/2017 về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, không phải ngẫu nhiên mang số 10, con số luôn được xem là hoàn hảo nhất. Trong quá khứ, Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa VI về nông nghiệp ban hành ngày 5/4/1988 đi vào lịch sử khi tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam bao năm thiếu thốn lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, cũng mang số 10.
Nghị quyết số 10 về nông nghiệp của hơn 20 năm trước đã trở nên rất đỗi thân thuộc với người dân nhiều thế hệ bằng cái tên “khoán 10”. Giờ đây, nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân cũng được đánh số 10, thể hiện mong muốn nghị quyết sẽ mang lại những thành tựu có ý nghĩa đột phá như đã đạt được như với nghị quyết về Khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp vào thời kỳ đầu đổi mới.
Ngay sau khi Đảng ban hành Nghị quyết 10, Chính phủ ban hành chương trình hành động cũng như cấp tập ra hàng loạt chính sách, có hàng loạt hành động mở đường tối đa cho lực lượng doanh nghiệp tư nhân phát triển. Chính phủ giao rõ cho 4 Bộ Giao thông, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ trực tiếp “xông pha” cùng doanh nghiệp tư nhân. Tất cả các bộ và địa phương cũng không được ngoài cuộc.
Các con số của chương trình hành động này cũng được nêu ra rất cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn, trong cuộc chiến không khoan nhượng với giấy phép con, Chính phủ đưa ra “tối hậu thư”, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục, rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Chương trình hành động của Chính phủ cũng yêu cầu tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Yêu cầu này đã được các địa phương triển khai đồng loạt, nhiều địa phương đối thoại với doanh nghiệp theo hàng tuần, hàng tháng chứ không phải chỉ là 2 lần/năm.
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Từ địa phương, bầu không khí cũng rất sôi động. Tại nhiều tỉnh, thành, phát triển doanh nghiệp tư nhân được lãnh đạo địa phương coi đó như sự phát triển sống còn cho nền kinh tế tỉnh mình. Như tại quê hương của Thủ tướng, Tỉnh ủy Quảng Nam đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động. Nhiều trung tâm dịch vụ hành chính công, một cửa liên thông ra đời. Nhiều điều kiện, thủ tục kinh doanh, đầu tư trói buộc trước đây đã bị xóa bỏ. Các buổi gặp gỡ như “cà phê doanh nhân”; chương trình khởi nghiệp sáng tạo; ban hành các chính sách dưỡng nghiệp... được tổ chức thường nhật… Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng “thống lĩnh” sự tăng trưởng giá trị nền kinh tế của Quảng Nam. Chỉ tính riêng Khu kinh tế mở Chu Lai đã thu hút được 118 nhà đầu tư, chủ yếu kinh tế tư nhân, đóng góp vào tổng thu ngân sách bình quân 70%/năm.
Không bao giờ cô đơn
Mở ra thời kỳ mới cho doanh nhân sải cánh bay lên cùng đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoạch định rõ 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế tư nhân là tổng động viên toàn dân khởi nghiệp; đồng hành, cắt giảm tối đa chi phí và nỗ lực đưa các tập đoàn kinh tế tư nhân, “đàn sếu” lớn cùng về một hướng.
Luôn khẳng định, “Đảng và Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã và đang thể hiện những nỗ lực cao nhất để đưa chủ trương thành hiện thực. Ông chỉ rõ rằng, phải xây dựng được một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, minh bạch, loại trừ lợi ích nhóm cục bộ, loại trừ tình trạng lạm dụng độc quyền nhà nước của doanh nghiệp nhà nước, loại trừ bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp… “Nếu còn chưa làm tốt những công việc như vậy, thì chưa thế thực sự phát triển được khu vực kinh tế tư nhân” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Từng làm lãnh đạo doanh nghiệp ở mảnh đất nghèo và giờ đây doanh nghiệp đó đã rất thành công với cái tên là Khu du lịch Furama Đà Nẵng, Thủ tướng cho hay ông “rất thấm thía những thách thức doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt trên con đường phát triển, trong đó, thách thức lớn là nỗi e ngại phải cô đơn. Muốn nói để các doanh nghiệp yên tâm - Thủ tướng, Chính phủ không bao giờ để doanh nghiệp cô đơn”.
Đến thời điểm này, từ quyết tâm chính trị đến hành động của Đảng, Nhà nước về kinh tế tư nhân đều đã trở nên toàn diện và sâu sắc hơn bao giờ hết. Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân. Những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm, kinh tế tư nhân được đầu tư tất cả các lĩnh vực mà nhà nước không cấm như các nhà máy điện, các công trình hạ tầng, bệnh viện, trường học… Mục tiêu mà Chính phủ hướng tới là cố gắng có được sự đóng góp từ kinh tế tư nhân lên đến con số 50% - 60% GDP của Việt Nam. Đi từ việc vi mô đến vĩ mô, từ ban hành chính sách đến kiểm tra việc thực thi chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ đã và đang thực sự mang đến cho khu vực kinh tế tư nhân niềm tin mới vào một thời kỳ phát triển mới.
Ba làn sóng cải cách
Nhiệm kỳ 2016 - 2020 trải qua hàng nghìn ngày, ngày nào Chính phủ cũng bàn về phát triển doanh nghiệp, sốt ruột về sức khỏe doanh nghiệp. Năm cuối nhiệm kỳ, 2020, đại dịch Covid-19 càng khiến Chính phủ coi sức khỏe doanh nghiệp là vấn đề đại sự với dồn dập các làn sóng cải cách và hỗ trợ doanh nghiệp.
Lúc căng thẳng nhất của làn sóng Covid-19 lần một, đầu tháng 5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp và mang đến sự phấn chấn cho cả cộng đồng doanh nghiệp khi nêu rõ quyết tâm của Chính phủ, “giữ cho ngọn lửa tăng trưởng luôn phải cháy”.
Giữa đại dịch, công cuộc cải cách thậm chí không có dấu hiệu ngừng trệ mà còn được Chính phủ gia tăng đốc thúc. Càng trong bão, càng bền chí, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay. Mục tiêu cụ thể của chương trình trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020).
Đây là làn sóng cải cách thứ 3 kể từ năm 2016. Năm 2016, đợt sóng cải cách đầu tiên, xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 và Chính phủ đã thành công trong việc khai tử hàng nghìn giấy phép con trong các thông tư, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Đợt sóng thứ hai là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành với tinh thần rất quyết liệt.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng, các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.
Theo cùng diễn biến này, các con số liên quan đến phát triển doanh nghiệp đều vượt bậc, thậm chí đạt đến ngưỡng kỳ tích. Năm 2016, lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành lập mới vượt 100 nghìn doanh nghiệp. Năm 2017, kỷ lục được phá vỡ khi có khoảng 127 nghìn doanh nghiệp được thành lập. Kỳ tích tiếp tục với năm 2018, hơn 130 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới. Năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục đạt kỷ lục với con số trên 138 nghìn.
|