Diễn biến thị trường thế giới: Tháng 4/2013 ghi nhận chỉ số USD INDEX đứng ở mức cao (trung bình: 82,63 điểm), ít dao động. Cụ thể: 82,89 điểm (1/4), 82,86 điểm (8/4), 82,26 điểm (15/4), 83,15 điểm (23/4), 82,35 điểm (30/4).
Kinh tế Mỹ: doanh số bán lẻ tháng 3 giảm 0,4% so với tháng 2 (tháng 2 tăng 1,0%), thấp hơn so mức dự báo (+0,3%). Trong khi đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng do Trường Michigan khảo sát giảm mạnh từ 78,5 về 72,3, gần mức thấp nhất kể từ cuối năm 2011. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 so cùng kỳ 2012 tăng 1,5%, thấp hơn mức dự báo 1,6% (tháng 2 tăng 2,0%), thấp hơn mức 2,5% là mục tiêu đề ra cho chương trình QE3.
Kinh tế Châu Âu: tình hình sản xuất trong Eurozone vẫn nằm xa dưới vùng tăng trưởng, tình hình kinh tế tài chính ở Síp lại xuất hiện những khó khăn và một số tiến triển mới trong nỗ lực thành lập chính phủ ở Ý là những điểm đáng chú ý. Chỉ số PMI sản xuất trong tháng 3/2013 của toàn khu vực EuroZone tăng nhẹ từ 46,6 lên 46,8, cao hơn mức dự báo 46,6; mặc dù vậy, chỉ số này vẫn nằm dưới mốc 50 cho thấy sản xuất trong Eurozone vẫn chưa đạt lại được đà tăng trưởng. Đáng chú ý trong nhóm giảm điểm, PMI sản xuất của của Đức giảm từ 50,3 về 49,0, của Ý giảm từ 45,8 về 44,5 và của Tây Ban Nha giảm từ 46,8 về 44,2. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực tiếp tục giữ nguyên ở mức cao kỷ lục 12%. Trong đó của Tây Ban Nha là 27,2%, cao hơn nhiều so với dự báo 26,5%; của Pháp là 11,2%, mức cao nhất trong vòng 16 năm qua.
Chỉ số niềm tin nhà đầu tư Eurozone trong tháng 3/2013 giảm từ -10,6 xuống -17,3, xấu hơn so mức dự báo -13,1. Sản lượng công nghiệp của Đức trong tháng 2 tăng 0,5% so tháng 1/2013 (tháng 1/2013 giảm 0,6%), cao hơn con số dự báo +0,3%. Cán cân thương mại của khu vực đồng tiền chung tháng 3 đạt thặng dư +10 tỷ Euro so với mức thâm hụt 4.7 tỷ Euro trong tháng 2, cao hơn mức kỳ vọng +3 tỷ Euro. Những thông tin trên tác động làm cặp đôi EURO/USD thay đổi theo hướng EURO tăng giá nhẹ so với USD: 1 Euro đổi được 1,2849 USD (ngày 1/4) tăng lên 1,3116 USD (ngày 11/4); 1,3099 USD (ngày 15/4); 1,3016 (ngày 24/4) và 1,3168 (ngày 30/4).
Thị trường trong nước: Trong tháng 4/2013, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn tiếp tục ổn định ở mức 20.828 đồng/USD, không đổi từ ngày 24/12/2011. Trong những ngày đầu tháng 4/2013, tỷ giá Đôla Mỹ tại các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm, sau đó đã tăng trở lại và có xu hướng đi ngang đến cuối tháng. Tỷ giá niêm yết mua vào bán ra của ngân hàng thương mại là 20.920-20.960 VND/USD (đầu tháng), sau đó giảm nhẹ 10 đồng/USD ở chiều mua vào, với tỷ giá mua vào – bán ra tương ứng là 20.910-20.960 VND/USD (cuối tháng). Chịu tác động bởi giá USD tại các ngân hàng thương mại, giá USD trên thị trường tự do cũng giảm với giá phổ biến ở mức 21.300-21.310 đồng/USD (mua vào) và 21.370-21.380 đồng/USD (bán ra).
Dự báo tỷ giá hạch toán giữa Đồng Việt Nam với Đôla Mỹ tháng 5/2013 được Bộ Tài chính công bố áp dụng cho các nghiệp vụ quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ; quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước là 1 USD = 20.828 đồng, ổn định so với tháng 4/2013.
(Nguồn Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính)